Dạy cha mẹ cách chăm sóc trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ

Gần 1.000 cha, mẹ, ông bà thuộc 42 xã của tỉnh Hà Nam đang cùng tham gia Câu lạc bộ 1.000 ngày đầu đời vì sự phát triển toàn diện của trẻ để học hỏi kiến thức khoa học về chăm sóc trẻ nhỏ.
(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Gần 1.000 cha, mẹ, ông bà thuộc 42 xã của tỉnh Hà Nam đang cùng tham gia Câu lạc bộ 1.000 ngày đầu đời vì sự phát triển toàn diện của trẻ.

Đây là mô hình thí điểm được Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Bộ Y tế thực hiện với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế từ Australia và Canada.

Lấp lỗ hổng kiến thức cho phụ huynh

Chia sẻ thông tin với báo chí tại buổi hội thảo giới thiệu mô hình Câu lạc bộ diễn ra sáng nay, ngày 13/12, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho biết, trong hơn 20 năm hỗ trợ phát triển y tế cơ sở, bà đã luôn trăn trở với việc làm sao để hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.

“Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy đầu tư 1.000 ngày đầu đời là đầu tư hiệu quả nhất để trẻ phát triển về chiều cao, trí tuệ, cảm xúc xã hội, dinh dưỡng cho sự phát triển lâu dài sau này. Đó là lý do Câu lạc bộ ra đời,” bà Hà nói.

Đối tượng thụ hưởng là trẻ nhỏ nhưng đối tượng tác động của chương trình là bố, mẹ và cả các ông, bà.

Nội dung hoạt động của Câu lạc bộ gồm 5 khóa học với 20 bài sinh hoạt với 9 chủ đề chính liên quan đến chăm sóc thai nghén, chăm sóc sơ sinh, phát triển toàn diện, dinh dưỡng, nuôi con bằng sữa mẹ, sơ cấp cứu, mối quan hệ gia đình, vấn đề giới, vấn đề trẻ khó nuôi…

Các chủ đề này được chuyển tải bằng nhiều hình thức sinh động như video, tranh treo, các thảo luận, thực hành trực tiếp trên các dụng cụ trợ giảng như búp bê.

Ngoài việc cung cấp các tài liệu, ban tổ chức câu lạc bộ sẽ tập huấn cho cán bộ điều hành câu lạc bộ cấp tỉnh, các cán bộ này tiếp tục tập huấn cho cán bộ câu lạc bộ cấp xã để triển khai về từng địa phương, đến từng cha, mẹ. Mỗi xã sẽ có sự tham gia của giáo viên mầm non, cán bộ y tế và cán bộ hội phụ nữ xã.

Là người trực tiếp tham gia câu lạc bộ, chị Trần Thị Ngát, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam cho biết, ngay từ khi bắt đầu triển khai, Câu lạc bộ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.

[Australia: Khi nạn lạm dụng trẻ em trở thành thảm kịch quốc gia]

“Mỗi gia đình chỉ sinh một, hai con nên họ đều rất quan tâm đến vấn đề chăm sóc con cái. Các bố, mẹ đều là những người trẻ nên rất có tinh thần học hỏi. Nhiều người tự tìm hiểu kiến thức về chăm sóc trẻ qua Internet nhưng thông tin rất nhiều chiều, thiếu sự chính xác. Vì thế, khi đưa mô hình Câu lạc bộ về xã, rất nhiều người đã đăng ký tham gia,” chị Ngát chia sẻ.

Theo chị Ngát, Câu lạc bộ với những thông tin thiết thực, những chỉ dẫn thực tế, kiến thức khoa học, đã trang bị cho các ông bố, bà mẹ tri thức cần thiết cho việc chăm sóc trẻ trong những năm tháng đầu đời. Thay vì nuôi con theo kinh nghiệm, bản năng như trước đây, họ đã chăm sóc con bằng kiến thức khoa học. Điều này sẽ giúp cho trẻ em được chăm sóc đầy đủ cả về thể chất và tinh thần, phát triển tốt về thể lực và trí tuệ, cảm xúc.

Câu lạc bộ thu hút sự tham gia của cả các bà đến học hỏi về cách chăm sóc trẻ. (Nguồn: BTC)

Nhân rộng ra toàn quốc?

Bà Trương Thị Hải Thịnh, Trưởng ban Gia đình xã hội của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Nam cho rằng, với những giá trị lớn từ Câu lạc bộ mang lại, mô hình này nên được nhân rộng ra toàn tỉnh Hà Nam nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, hiện mô hình đang trong giai đoạn triển khai miễn phí, trong khi để nhân rộng và duy trì lâu dài thì cần đặt ra bài toán kinh tế.

Theo bà Trần Thị Thu Hà, nhân rộng và duy trì lâu dài cũng là mục tiêu mà các đơn vị tổ chức Câu lạc bộ hướng đến: “Chúng tôi không muốn chương trình sẽ dừng lại khi hết tiền tài trợ. Chúng tôi thậm chí mong muốn không chỉ dừng lại ở giai đoạn 1.000 ngày đầu đời mà sẽ có các chương trình cung cấp kiến thức chăm sóc trẻ cho các bậc cha, mẹ, ông, bà ở các giai đoạn lớn hơn của trẻ.”

Để đạt mục tiêu này, bà Hà cho biết các bên đều đang nỗ lực có thể đưa mô hình thành một phần của chương trình quốc gia thông qua sự chỉ đạo của Bộ y tế đồng thời lồng ghép vào chương trình của các tổ chức phi chính phủ.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng hướng đến đưa mô hình này vào các doanh nghiệp xã hội, các chương trình đào tạo trực tuyến để có thu, để tự chủ tài chính và tiếp tục triển khai ở các giai đoạn tiếp theo cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi, 6 đến 12 tuổi. Chúng tôi muốn đây là viên gạch đầu tiên để đi chặng đường dài,” bà Hà nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục