Thiếu giáo viên môn Tin học và Ngoại ngữ, thiếu cơ sở vật chất để dạy học hai buổi/ngày, đó là những khó khăn được nhiều địa phương chỉ ra tại “Hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hướng dẫn dạy học lớp 1 từ năm học 2020-2021” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 16/5, tại Hà Nội.
20% học sinh tiểu học vấn học một buổi/ngày
Tại hội thảo, các chuyên gia cùng đại diện lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến nội dung và thời lượng dạy học, kế hoạch giáo dục, tổ chức bán trú và các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá, hướng dẫn thực hiện dạy học đối với những nơi chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học hai buổi/ngày.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, do thực hiện tích hợp cao ở các bậc học dưới nên với tiểu học, số môn sẽ ít hơn so với chương trình hiện hành. Tuy nhiên, do chương trình mới tổ chức học hai buổi/ngày nên số tiết sẽ tăng lên so với thiết kế chương trình dạy một buổi/ngày như hiện nay.
Theo ông Thái Văn Tài, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) mục tiêu của hoạt động dạy học hai buổi/ngày là tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa – nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Việc tổ chức dạy hai buổi/ngày cũng nhằm hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm, giảm áp lực học tập và góp phần giảm tải trong việc tổ chức thực hiện chương trình, đáp ứng yêu cầu quản lý và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp tiểu học.
Cũng theo ông Tài, hiện cả nước có đến 80% học sinh tiểu học đang học hai buổi/ngày, vì thế việc triển khai học hai buổi/ngày theo chương trình mới sẽ có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, đây lại là một thách thức với một số địa phương có tỷ lệ phòng học/lớp còn thấp, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đáp ứng được yêu cầu.
Thiếu giáo viên Tin học, Ngoại ngữ
Bên cạnh đó, còn một thách thức khác là sự xuất hiện của hai môn học mới là Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ ngay từ lớp một, đồng nghĩa với việc phải có thêm giáo viên để dạy hai môn này.
Theo chia sẻ của các địa phương, việc bổ sung giáo viên là rất khó, khi Chính phủ đang chủ trương tinh giản biên chế và ở nhiều địa phương cũng không còn chỉ tiêu tuyển. Trong khi đó, chưa tính đến số giáo viên Tin học và Công nghệ, Ngoại ngữ cần bổ sung cho chương trình mới, thì ngay năm học 2019-2020, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, cả nước vẫn đang thiếu đến gần 19.000 giáo viên tiểu học.
Việc thừa thiếu giáo viên cục bộ, thiếu hàng nghìn giáo viên ở bậc tiểu học, nhưng lại thừa ở các cấp học cao hơn, khiến không còn biên chế để tuyển, đang là một thách thức lớn với các tỉnh. Một số địa phương cho biết, khi không đủ giáo viên, các trường buộc phải ký giáo viên hợp đồng, nhưng mức lương hợp đồng rất thấp nên cũng không giữ chân giáo viên lâu dài, không giúp giáo viên yên tâm công tác, cống hiến cho ngành.
[Năm 2019, tập trung bồi dưỡng giáo viên và viết sách giáo khoa lớp một]
Vì thế, các địa phương đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học hai buổi/ngày, cần có quy định về việc tính chi trả tiền thừa giờ cho giáo viên bằng ngân sách nhà nước hoặc nguồn xã hội hóa giáo dục.
Đối với việc tổ chức bán trú và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa cần được xây dựng kế hoạch cụ thể, trên cơ sở sự thống nhất, tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với các cơ sở giáo dục tiểu học chưa có đủ điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất để thực hiện dạy học hai buổi/ngày, có thể căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục đảm bảo thực hiện dạy đúng, đủ nội dung và thời lượng dành cho các môn học bắt buộc./.