Ngày 2/2, Indonesia thông báo đã gửi 5 bộ phận của chiếc máy bay gặp nạn hồi tháng trước của hãng hàng không Sriwijaya Air đến Mỹ và Anh để kiểm tra.
Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (KNKT) Soerjanto Tjahjono cho biết các bộ phận của máy bay gặp nạn, trong đó có van điều khiển tự động công suất động cơ máy bay, sẽ được kiểm tra để làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Ông Tjahjono cho hay KNKT đã đọc hộp đen ghi lại dữ liệu của chuyến bay (FDR) nhưng chưa tìm được thiết bị ghi âm buồng lái (CVR) có thể chứa thông tin liên quan tới yếu tố con người.
Theo quan chức trên, dữ liệu từ FDR chưa đủ để xác định nguyên nhân khiến hệ thống điều khiển tự động bị trục trặc. Do đó, việc chuyển thêm các bộ phận khác của máy bay đến Mỹ và Anh để kiểm tra là cần thiết.
[Chuyên gia: Chiếc máy bay Indonesia chỉ mất 20 giây để lao xuống biển]
Trước đó, ngày 24/1, KNKT cho biết nguyên nhân dẫn đến vụ rơi máy bay của hãng hàng không Sriwijaya Air có thể là do trục trặc ở hệ thống ga tự động. Sự cố kỹ thuật này từng được các nhân viên bảo trì máy bay báo cáo vài ngày trước khi xảy ra vụ tai nạn thương tâm. Tuy nhiên, KNKT lưu ý rằng máy bay vẫn có thể bay nếu hệ thống ga tự động không hoạt động vì phi công vẫn có thể điều khiển bằng tay.
Dự kiến, vào ngày 9/2 tới, cơ quan trên sẽ sớm công bố báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn.
Chuyến bay mang số hiệu SJ-182 của hãng hàng không Sriwijaya Air gặp nạn chiều 9/1 và rơi xuống vùng biển ngoài khơi thủ đô Jakarta. Khi đó máy bay vừa cất cánh vài phút để thực hiện hành trình từ Jakarta tới thủ phủ Pontianak của tỉnh Tây Kalimantan. Toàn bộ 62 người trên máy bay, gồm 50 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, đã thiệt mạng.
Đây là vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất tại Indonesia kể từ sau vụ máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Lion Air rơi xuống vùng biển Java khiến 189 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng năm 2018./.