Đề án cải tạo cây xanh: Chuyên gia khuyên "sấu," Sở chọn "lát hoa"

Theo nhận định của các chuyên gia, cây lát hoa là một loại gỗ quý, “xuất thân” ở trong rừng, nên nếu đem trồng ở tuyến phố Nguyễn Chí Thanh thì cần phải được kiểm nghiệm và đánh gía định kỳ.
Hàng trăm cây xanh đủ loại như xà cừ, hoa sữa trên phố Nguyễn Chí Thanh từng bị chặt hạ để thay thế bằng giống cây khác. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trước thông tin ngày ​hôm nay, 1/8, Hà Nội sẽ thay thế, trồng mới cây lát hoa tại tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, nhiều nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành về cây lâm nghiệp cho rằng, cây lát hoa là một loại gỗ quý, “xuất thân” ở trong rừng, nên nếu đem trồng ở nội thành Hà Nội thì cần phải dành thời gian kiểm nghiệm và đánh giá định kỳ.

[Thay 247 cây mỡ bằng cây lát hoa tại đường Nguyễn Chí Thanh]

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus trước ngày trồng mới cây lát hoa tại tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, kiêm Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp cho biết, vừa qua Sở Xây dựng Hà Nội đã có cuộc họp, mời và hỏi ý kiến một số chuyên gia của Hội. Theo ý kiến các chuyên gia của Hội thì cây sấu trồng phù hợp hơn, tuy nhiên Sở Xây dựng đã chọn cây lát hoa.

“Đây là quyền của Hà Nội, họ cũng đã hỏi ý kiến các chuyên gia nên cá nhân tôi không phản đối. Tuy nhiên, cây lát hoa nó vốn ‘xuất thân’ ở rừng nên nếu đưa ra trồng ở nội thì cần phải có sự thử nghiệm. Nếu thuận lợi thì trồng, nhưng từ trước tới nay, cây lát cổ thụ trồng ở Hà Nội rất ít, mà phần lớn là trồng cây xà cừ và cây sấu…,” ông Đăng chia sẻ.

Sau khi bị đốn hạ, gỗ cây đô thị sẽ được vận chuyển về các kho gỗ có nhiều địa điểm tại Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn-Sơn Bách/Vietnam+)
Riêng tại vườn ươm của Xí nghiệp Sản xuất Cây xanh, cây hoa, cây cảnh tại Cầu Diễn (Nam Từ Liêm) tổng cộng có 186,9 khối xà cừ và 31,69 khối gỗ khác. (Ảnh: Minh Sơn-Sơn Bách/Vietnam+)
Cận cảnh những thân cây có đường kính lên tới cả mét. (Ảnh: Minh Sơn-Sơn Bách/Vietnam+)
Cận cảnh những thân cây có đường kính lên tới cả mét. (Ảnh: Minh Sơn-Sơn Bách/Vietnam+)
Những thân cây mới được chặt vẫn còn mang nguyên ‘dấu tích phố phường’. (Ảnh: Minh Sơn-Sơn Bách/Vietnam+)
Những thân cây mới được chặt vẫn còn mang nguyên ‘dấu tích phố phường’. (Ảnh: Minh Sơn-Sơn Bách/Vietnam+)
Theo Phó Giám đốc Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội: Mặc dù bên ngoài còn tươi tốt, nhưng khi chặt hạ, bên trong có nhiều cây đã bị mục ruỗng nghiêm trọng. (Ảnh: Minh Sơn-Sơn Bách/Vietnam+)
Đối với những cây nằm ở sâu trong khu dân cư, các công nhân buộc phải cưa cắt thành thớt để thuận tiện vận chuyển về vườn ươm. (Ảnh: Minh Sơn-Sơn Bách/Vietnam+)
Cận cảnh kho gỗ tại vườn ươm (Ảnh: Minh Sơn-Sơn Bách/Vietnam+)
Gỗ mục được để tại một khu vực riêng, đã phơi sương nắng hàng năm trời. (Ảnh: Minh Sơn-Sơn Bách/Vietnam+)
Gỗ mục được để tại một khu vực riêng, đã phơi sương nắng hàng năm trời. (Ảnh: Minh Sơn-Sơn Bách/Vietnam+)
Bên cạnh các cây đã đốn, 128 cây từ đường Nguyễn Chí Thanh cũng được đưa về vườn ươm để 'phục hồi sức khỏe' trước khi đem đi trồng lại. (Ảnh: Minh Sơn-Sơn Bách/Vietnam+)

Còn ông Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thực vật, thuộc Liệp hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng, lần này Sở Xây dựng Hà Nội đã làm kín kẽ hơn. Họ cũng đã hỏi ý kiến của các nhà khoa học.

Theo ông Hiệp, sở dĩ Hà Nội chọn trồng mới cây lát hoa là vì cây lát mọc nhanh, thân thẳng, tán rộng hình cầu, gỗ tốt, ít bị mối mọt và chống chịu được với mưa bão. Vì thế, nhân mùa mưa, đang có cây nên Hà Nội đã quyết định chọn trồng cây lát hoa.

“Theo tôi, trồng cây lát hóa chắc là phù hợp, bởi lẽ Hà Nội đã trồng thử nghiệm tại một số tuyến đường như Láng Hòa lạc, đường lên cầu Nhật Tân ra sân bay Nội Bài. Nếu giống cây này phát triển tốt, họ mới đi đến quyết định chọn trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh,” ông Hiệp nói.

Tuy nhiên, ông Hiệp cũng lưu ý, cây lát hoa là giống cây gỗ quý, mới được trồng thử nghiệm trong thời gian ngắn nên cần phải trồng đúng kỹ thuật. Khi trồng phải bóc vỏ bầu ra (vỏ bảo vệ bầu cây) để rễ cây có thể hút nước, bám sâu vào đất; tránh trường hợp cây bị chết như hàng loạt cây mỡ héo khô đã trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh.

Ở một góc nhìn khác, giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng cây di sản cũng cho khẳng định, ông không phản đối việc Hà Nội chọn trồng cây lát hoa. Tuy nhiên, theo cá nhân ông thì giống cây này không thật sự phù hợp với thổ nhưỡng ở Hà Nội.

“Từ trước tới nay, cây lát cũng xuất hiện rất ít tại thủ đô. Vì thế, tôi nghĩ rằng cơ quan chức năng Hà Nội nên cho trồng thử nghiệm ở một vùng, khu vực hẹp để kiểm nghiệm, chứ đem trồng đại trà thì không ổn. Như cây mỡ đã trồng là một ví dụ,” ông Huỳnh khuyến nghị.

​Cùng chung quan điểm, một chuyên gia kỳ cựu về cây lâm nghiệp thuộc Hội đồng cây di sản Việt Nam thận trọng bảo: “Hà Nội cứ trồng thử nghiệm đi, nếu cây lát hoa phát triển tốt thì chọn, chứ như cây mỡ vừa qua trồng là rất dở.”|

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, việc trồng cây trên các tuyến phố cần phải thận trọng vì nó tạo vẻ đẹp cho phố phường và quyền lợi của người dân Hà Nội.

“Trong trường hợp quyết định trồng cây lát thì phải được chăm sóc đúng kỹ thuật, tỉa cành nghiêm túc. Sau một thời gian, cơ quan chức năng cần phải triển khai kiểm nghiệm, đánh giá lại. Trong việc này, nếu Hà Nội làm tốt thì cây sẽ không bị gãy đổ, gây nguy hiểm,” ông nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục