Đề án xây dựng Thừa Thiên-Huế thành thành phố trực thuộc TW

Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa VII đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 8 thông qua đề án “Cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.”
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu phát biểu bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ 8. (Nguồn: thuathienhue.gov.vn)

Ngày 8/5, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa VII đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 8 thông qua nhiều đề án quan trọng, làm tiền đề để Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế trình các cơ quan Trung ương xem xét, phê duyệt tạo cơ sở hành lang pháp lý để xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo như tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đề án “Cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” đề nghị cho phép tỉnh được để lại 100% phí tham quan di tích sử dụng cho mục đích bảo tồn các giá trị văn hóa theo quy định của Luật Phí và lệ phí; kiến nghị Trung ương bổ sung có mục tiêu lại cho tỉnh 70% số tăng thu thực hiện so với dự toán Trung ương giao hàng năm.

Đề án cũng đề nghị cho phép Thừa Thiên-Huế được thực hiện cơ chế hỗ trợ một phần lãi suất cho các tổ chức, cá nhân khi vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng có khả năng thu hồi vốn trong phạm vi và khả năng của ngân sách tỉnh; cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.

[Thừa Thiên-Huế tăng trưởng toàn diện sau 45 năm ngày giải phóng]

Đề án cũng đề nghị cho phép Thừa Thiên-Huế sử dụng ngân sách, các nguồn tài chính hợp pháp khác của tỉnh để sớm hoàn thành dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương trên địa bàn tỉnh, do điều kiện ngân sách Trung ương chưa bố trí được.

Đề án đề nghị ngân sách Thừa Thiên-Huế được hưởng 100% số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban Nhân dân tỉnh quản lý và số thu từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do Ủy ban Nhân dân tỉnh làm chủ sở hữu để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tu bổ, tạo dựng di tích...

Ngoài ra, Đề án còn kiến nghị những cơ chế đặc thù cho tỉnh trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, quản lý đô thị; về chính sách phát triển các trung tâm văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ; chính sách phát triển các địa bàn có tính đột phá như Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô; Tam Giang- Cầu Hai, Vườn quốc gia Bạch Mã...

Tại kỳ họp, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa VII cũng đã thông qua Đề án “Bộ tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương đối với Thừa Thiên-Huế, đô thị có tính chất đặc thù trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc Huế.”

Bộ tiêu chí là hết sức cần thiết để Thừa Thiên-Huế được áp dụng một số yếu tố đặc thù trong phân loại đô thị và tiêu chuẩn đơn vị hành chính, là điều kiện cần để đảm bảo phân loại đô thị loại 1 đối với tỉnh trong quá trình xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về chính sách kích cầu du lịch của tỉnh, trong đó giảm 50% phí tham quan các điểm di tích từ ngày 8/5-31/7./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục