Để chính sách dân số mang lại lợi ích cho kinh tế Trung Quốc

Số liệu mới nhất được công bố rộng rãi cho thấy tỷ lệ sinh của phụ nữ Trung Quốc trong năm 2020 chỉ là 1,3, xấp xỉ với Nhật Bản và thấp hơn đáng kể so với Mỹ (1,7).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Bloomberg)

Để giải quyết vấn đề già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, Trung Quốc đã cho phép các gia đình sinh nhiều nhất ba con.

Trước đó, số liệu mới nhất được công bố rộng rãi cho thấy tỷ lệ sinh của phụ nữ Trung Quốc trong năm 2020 chỉ là 1,3, xấp xỉ với Nhật Bản và thấp hơn đáng kể so với Mỹ (1,7).

Ngoài tỷ lệ sinh thấp, Trung Quốc còn đối mặt với vấn đề thứ hai là quy mô dân số già hóa khổng lồ.

Trước năm 1971, chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Quốc ủng hộ nhiều con, hạn chế phổ biến các biện pháp tránh thai và giáo dục sinh đẻ có kế hoạch.

Tuy nhiên, quy mô dân số già hóa hiện nay của Trung Quốc rất lớn. Số dân trong độ tuổi từ 15-24 chỉ bằng khoảng 72% dân số trong độ tuổi từ 45-54, trong khi ở Nhật Bản con số này là 79% và Mỹ là 100%.

Cơ cấu dân số mất cân đối tại Trung Quốc khiến vấn đề tỷ lệ sinh sụt giảm trở nên nghiêm trọng hơn, bởi vì cần phải có lực lượng lao động trẻ để thay thế những người sắp về hưu.

Vấn đề thứ ba là tình trạng bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn. Trung Quốc thông qua chế độ hộ khẩu để cấm người dân nông thôn đi vào thành phố.

Vì vậy, cơ hội được giáo dục và chăm sóc y tế của người dân nông thôn là tương đối ít.

[Trung Quốc thay đổi chính sách dân số: Kỳ vọng lớn, thực tế khó khăn]

Từ năm 2010-2012, tỷ lệ nhập học trung học cơ sở, trung học phổ thông và đại học ở thành thị lần lượt là 100%, 63% và 54%, trong khi tỷ lệ này ở nông thôn lần lượt là 70%, 3% và 2%.

Tương tự, năm 2018, trung bình 1.000 người dân ở khu vực thành thị có 2,68 bác sỹ, trong khi ở khu vực nông thôn, tỷ lệ này là 1,26.

Do đó, không có gì ngạc nhiên, khi tình hình sức khỏe của khu vưc nông thôn khá kém, tuổi thọ tương đối thấp, và tỷ lệ bệnh tật tương đối cao.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có khuynh hướng thảo luận riêng những vấn đề này và đây là một sai lầm.

Tỷ lệ sinh thấp, di chứng của chính sách nhiều con và khoảng cách thành thị-nông thôn lớn đã ảnh hưởng đến cơ cấu độ tuổi dân số và cơ cấu độ tuổi dân số trực tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế dài hạn của Trung Quốc.

Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc cao vào chất lượng nguồn nhân lực. Nếu người lao động không thể nhận được bảo điểm y tế, học các kỹ năng trong trường học hoặc nơi làm việc, thì nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trên phạm vi thế giới, chênh lệch về tố chất lao động là nguyên nhân dẫn đến khác biệt về thu nhập và tăng trưởng giữa các quốc gia trên toàn cầu.

Tuy nhiên, việc cho phép các cặp vợ chồng Trung Quốc sinh ba con sẽ không tự động cải thiện tỷ lệ sinh, cũng không chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho việc ứng phó với những thách thức kinh tế lớn hơn.

Tỷ lệ sinh là do các nhân tố kinh tế xã hội quyết định, chẳng hạn như chi phí nuôi nấng con cái và cơ hội kinh tế mà bố mẹ có thể mang lại cho con cái. Những chi phí này rất cao ở khu vực thành thị Trung Quốc. Ví dụ, giá nhà ở đây cao hơn bất cứ quốc gia nào có mức thu nhập tương tự.

Ngoài ra, cạnh tranh học tập cũng rất gay gắt. Trẻ em và phụ huynh bắt đầu cảm thấy áp lực của kỳ thi đại học toàn quốc bắt đầu từ bậc tiểu học.

Mặc dù những cải cách về việc mở rộng tuyển sinh đại học năm 1999 đã giải tỏa một phần áp lực này, nhưng tăng trưởng việc làm không theo kịp, khiến tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học tăng mạnh.

Các phụ huynh ở thành thị còn đối mặt với gánh nặng chăm sóc bố mẹ già của mình.

Ở Trung Quốc, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng khi lương hưu hạn chế, rất ít người ở trong các trại dưỡng lão sau khi về hưu và đa phần người lớn tuổi Trung Quốc muốn con cái trưởng thành chăm sóc mình.

Trong giai đoạn thực hiện chính sách một con từ năm 1979-2016, khu vực thành thị chấp hành nghiêm ngặt, do đó phần lớn các bậc cha mẹ trẻ ở thành phố đều là con một.

Do không có anh, chị, em san sẻ gánh nặng, bên cạnh việc chăm sóc con cái của mình, các cặp vợ chồng có thể còn phải chăm sóc 4 bố mẹ già thêm từ 10 đến 20 năm. Nếu tăng tỷ lệ sinh theo chính sách ba con, số đối tượng chăm sóc, cấp dưỡng của hai vợ chồng tăng từ 5 lên 7 người.

Ngược lại, tỷ lệ sinh ở khu vực nông thôn tương đối cao, chi phí chăm sóc con cái tương đối thấp. Thực tế giá nhà rẻ hơn và cơ hội đến trường ít hơn đồng nghĩa với việc phụ huynh có thể ít lo lắng hơn về chi phí giáo dục. Dân số trong độ tuổi sinh đẻ ở nông thôn của Trung Quốc cũng nhiều khả năng có anh, chị em, và họ có thể cùng chăm sóc bố mẹ già.

Cho phép các gia đình sinh ba con nhưng các điều kiện khác giữ nguyên có thể không mang lại hiệu quả kinh tế kỳ vọng, thậm chí có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Trừ khi hạ thấp gánh nặng kinh tế nuôi dưỡng con cái và chăm sóc người già, nếu không dân số thành thị sẽ không thể có nhiều trẻ em, do đó chỉ có tỷ lệ sinh ở nông thôn mới tăng lên.

Khi đó, nếu Trung Quốc không thể cải thiện điều kiện y tế và giáo dục ở nông thôn, cái gia tăng sẽ chỉ là quy mô và thị phần lao động phổ thông.

Cùng nỗ lực đi đầu về thúc đẩy đổi mới công nghệ và vượt qua địa vị thu nhập trung bình, điều Trung Quốc không muốn nhất chính là tỷ lệ lao động phổ thông gia tăng.

Mặc dù việc cải thiện trường học và y tế công cộng ở khu vực nông thôn tương đối dễ, nhưng tạo ra cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp sẽ khó hơn. Một khi không có việc làm, giới trẻ sẽ không thể hỗ trợ tình trạng dân số già hóa.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã nhận thức được những vấn đề này.

Ngoài việc nâng cao hạn mức sinh, họ còn thừa nhận phải hạ thấp chi phí nhà ở và cung cấp trợ cấp giáo dục, song những phương án này vẫn mơ hồ, bởi vì thực sự không có giải pháp đơn giản.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cần chú ý đến tác động kinh tế do xu hướng dân số và khoảng cách giữa thành thị-nông thôn gây nên, đồng thời hết sức cẩn thận để ngăn chặn vấn đề diễn biến tồi tệ hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục