Trước vụ việc 256 giáo viên tiểu học, trung học cơ sở tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội, kêu cứu vì có nguy cơ bị ra khỏi ngành đang gây xôn xao dư luận, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức đã có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có chính sách đặc cách hỗ trợ các giáo viên.
Giáo viên kêu cứu
Toàn huyện Sóc Sơn có 256 giáo viên hợp đồng sẽ phải tham gia kỳ thi viên chức sắp tới. Các giáo viên đang vô cùng lo lắng hoang mang khi họ có nguy cơ phải ra khỏi ngành nếu không qua được kỳ thi viên chức. Trong đó, có nhiều người đã gần 30 năm cống hiến cho ngành giáo dục, có người là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố, là gương mặt tiêu biểu của Thủ đô.
“Nếu chỉ thi chuyên môn thì chúng tôi không sợ, nhưng theo quy định thì trước khi thi chuyên môn ở vòng hai sẽ phải tiếng Anh ở vòng một, môn mà chúng tôi không dùng đến trong nhiều năm qua, thậm chí có người không được học trước đây. Chúng tôi làm sao có thể so sánh về ngoại ngữ với những thế hệ trẻ hơn. Vì thế, nếu thi thì chúng tôi chắc sẽ trượt ngay từ vòng một,” cô giáo Lê Thị Thu Nguyệt, giáo viên môn Ngữ văn trường Trung học cơ sở Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, nghẹn ngào nói.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội 2, năm 1993, cô Nguyệt về dạy văn tại Trường Trung học cơ sở Minh Phú, một trong những nơi có tỷ lệ thất học cao của Sóc Sơn. Khi đó, địa phương đã đón những giáo viên như cô Nguyệt như ‘những người hùng’, cấp đất để giáo viên yên tâm công tác.
Trong suốt 27 năm qua, cô Nguyệt đã rất nỗ lực, đạt nhiều thành tích trong giảng dạy, nhưng cũng chưa bao giờ có một đợt thi tuyển viên chức nào. Vì thế, suốt 27 năm, cô chỉ là giáo viên hợp đồng, nhưng cố vẫn nỗ lực vì tình yêu với nghề.
“Bao nhiều năm phấn đấu giờ phủ định sạch trơn, tham gia vào cuộc thi không cân sức cân tài giữa hai, ba thế hệ,” cô Nguyệt chia sẻ.
Đây cũng là nỗi lòng chung của cả 256 giáo viên đang dạy hợp đồng tại huyện Sóc Sơn trước quyết định phải tham gia kỳ thi viên chức sắp tới. Các giáo viên cho rằng việc phải thi tiếng Anh là môn điều kiện để tham dự tiếp vào vòng hai giống như bản án tử đối với sự nghiệp của họ.
“Tiếng Anh là môn trước đây nhiều người chưa được học thì không thể có kiến thức thi chọi với các cháu thế hệ sau này, được học tiếng Anh từ năm lớp 3. Nếu thi thì chắc chắn chúng tôi sẽ trượt ngay từ vòng đầu tiên,” cô Nguyễn Thị Hoa, Trường Trung học cơ sở Đức Hòa lo lắng.
“Các tiêu chí đưa ra quá rộng so với đào tạo thế hệ trước của chúng tôi,” cô giáo Đào Thị Nga, Trường Trung học cơ sở Trung Dã nói.
Ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Sóc Sơn cho rằng việc thi viên chức chưa công bằng với giáo viên có thời gian công tác lâu, nhưng cấp thực hiện không thể tự làm theo mong muốn của giáo viên. Địa phương đã có kiến nghị với thành phố về việc xét đặc cách nhưng không được chấp nhận.
Đề nghị Hà Nội xem xét đặc cách
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Vũ Minh Đức cho biết, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã nhận được đơn kêu cứu của các giáo viên Sóc Sơn và đã có công văn đề nghị Hà Nội xem xét đặc cách cho các giáo viên.
Trong công văn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, ông Đức cho rằng việc thực hiện chủ trương và các quy định hiện hành của Chính phủ về thi tuyển viên chức để đảm bảo có đội ngũ giáo viên có chất lượng tốt, đạt chuẩn về trình độ, chuẩn nghề nghiệp nhất định là việc làm đúng và cần thiết.
Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể với những giáo viên đã có nhiều năm công tác trong ngành, để có sự ghi nhận đối với quá trình cống hiến cho ngành giáo dục, tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của người lao động khi thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Hà Nội quan tâm, có giải pháp để có thể xem xét đặc cách hoặc có chính sách ưu tiên thích hợp trong quá trình thi tuyển viên chức.
[Vụ sa thải giáo viên ở Bắc Ninh: Cú sốc với các nhà trường]
Đối tượng xem xét đặc cách hoặc có chính sách ưu tiên là các giáo viên tham gia giảng dạy lâu năm, tâm huyết với nghề, có trình độ chuyên môn tốt (giáo viên dạy giỏi các cấp, giáo viên có nhiều thành tích trong công tác…) giáo viên tham gia công tác quản lý, từ tổ trưởng các tổ chuyên môn trở lên, giáo viên là cán bộ công đoàn từ tổ trưởng tổ công đoàn trở lên, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với số giáo viên không trúng tuyển nhưng đã có thời gian công tác trong ngành giáo dục nhiều năm thì xem xét, tiếp tục ký hợp đồng và bố trí ở những nơi còn thiếu.
Đối với những người không trúng tuyển và không bố trí được thi ngoài các chế độ theo quy định của Nhà nước, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để học có cơ hội chuyên đổi công việc, tìm kiếm việc làm mới, sớm ổn định cuộc sống.
“Công đoàn giáo dục Việt Nam đề nghị các đồng chí quan tâm, xem xét, có giải pháp hợp lý để đội ngũ nhà giáo sớm ổn định về mặt tâm lý và tập trung cống hiến cho ngành giáo dục nhiều hơn,” ông Đức đề nghị trong công văn./.