Để sữa mẹ là nền tảng dinh dưỡng cho cuộc sống trẻ thơ

Kéo dài từ ngày 1-7/8, có chủ đề “Nuôi con bằng sữa mẹ-Nền tảng của cuộc sống,” Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ gửi đi thông điệp khẳng định tầm quan trọng của sữa mẹ với cuộc sống từng cá nhân.
Để sữa mẹ là nền tảng dinh dưỡng cho cuộc sống trẻ thơ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: iStock)

Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em đã quy định trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có quyền tiếp cận với nguồn dinh dưỡng, trong đó phải kể đến sữa mẹ. Sữa mẹ được coi là "món quà" diệu kỳ nhất mà mỗi con người được ban tặng từ thuở lọt lòng.

Đây là nguồn dinh dưỡng vệ sinh, thanh khiết, vô trùng, kinh tế, thuận tiện và đặc biệt hàm chứa đầy đủ dưỡng chất cần thiết, từ đó tạo nền tảng khỏe mạnh, vững chắc không chỉ cho trẻ nhỏ bắt đầu từ những ngày đầu tiên chào đời, mà còn cho các bà mẹ.

Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ 2018 (WBW 2018), kéo dài từ ngày 1-7/8, có chủ đề “Nuôi con bằng sữa mẹ-Nền tảng của cuộc sống,” nhằm gửi đi một thông điệp toàn cầu khẳng định tầm quan trọng của nguồn sữa mẹ đối với cuộc sống của từng cá nhân cũng như đối với sự phát triển bền vững của xã hội.

[73% trẻ mới sinh ở Việt Nam được ăn sữa mẹ sớm sau sinh]

Được Liên minh thế giới hành động vì nuôi con bằng sữa mẹ (WABA) tổ chức lần đầu tiên vào năm 1992, Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ hiện nay đã được nhân rộng và triển khai tại 120 quốc gia và khu vực trên thế giới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đều khuyến khích các bà mẹ nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, bởi sữa mẹ được ví như vắcxin đầu tiên cho trẻ sơ sinh, với nhiều chất dinh dưỡng và kháng thể bảo vệ trẻ khỏi nhiều bệnh tật như hen xuyễn, leukemia, nhiễm trùng tai, đột tử, tiểu đường tuýp 2, tiêu chảy, nhiễm trùng hệ tuần hoàn, béo phì... Đây là những căn bệnh mà trẻ ra đời khi chưa được 37 tuần dễ mắc phải.

Khoa học đã phát hiện ra một chất đặc biệt là HMO, chỉ có trong sữa mẹ, có khả năng tăng cường sức đề kháng cho trẻ, giúp hệ miễn dịch non nớt của trẻ chống lại các tác nhân gây bệnh. Bởi vậy, sữa mẹ được xem như nền tảng dinh dưỡng, nền tảng miễn dịch cho trẻ ngay từ khi chào đời. Tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ sau 6 tháng đầu, cho đến khi trẻ được hai tuổi hoặc lâu hơn nữa, kết hợp với bổ sung các thức ăn an toàn và phù hợp là phương thức nuôi trẻ tốt nhất.

Năm 2018, WABA đề cao tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ trong củng cố nền tảng cuộc sống của mỗi trẻ em, mang lại sức khỏe cho các em, thông qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, đồng thời đảm bảo an ninh lương thực trong mọi thời kỳ khủng hoảng và giảm tình trạng suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức.

Thống kê của WHO chỉ rõ mỗi năm sẽ có hơn 820.000 trẻ nhỏ dưới 5 tuổi sẽ được cứu sống nếu các em được tiếp cận dinh dưỡng của dòng sữa mẹ ngọt ngào từ lúc sinh ra đến 24 tháng, thậm chí chỉ số thông minh (IQ) của những đứa trẻ này còn được nâng cao, giúp các em có đủ năng lực và trí tuệ, đạt thành tích cao trong học tập, qua đó có được công việc và cuộc sống tốt đẹp hơn, thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nghèo đói.

Trong bối cảnh hiện có tới 815 triệu người trên thế giới phải sống trong cảnh mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng, an toàn thực phẩm bị đe dọa và tỷ lệ đói nghèo cao, nuôi con bằng sữa mẹ là giải pháp lý tưởng mang lại cho tất cả mọi người, trước hết là trẻ nhỏ, một sự khởi đầu công bằng trong cuộc sống, tạo nền tảng cho sức khỏe tốt và sự sinh tồn của trẻ em cũng như các bà mẹ.

Việc trẻ nhỏ được tiếp cận với nguồn sữa mẹ trong khoảng từ 6 tháng trở lên và người mẹ “chịu khó” thực hiện thiên chức này đồng nghĩa với việc khoảng 302 tỷ USD, tương đương 0,49% Tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, không bị lãng phí mỗi năm. Nuôi con bằng sữa mẹ là một trong những cách đầu tư tốt nhất và thông minh nhất cho sức khỏe cộng đồng, hay dễ hiểu hơn mỗi 1 USD đầu tư việc nuôi con bằng sữa mẹ, sẽ tạo ra nguồn thu gấp 35 lần.

Các nhà nghiên cứu hàng đầu ở Đông Nam Á ước tính nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp tiết kiệm hơn 23 triệu USD/năm, khoản tiền vốn được dùng chi trả cho việc điều trị các bệnh nhi, đồng thời tránh thất thoát khoảng 70 triệu USD. Nói cách khác, việc nuôi con bằng sữa mẹ là một cách đầu tư cho tương lai hiệu quả nhất bởi nó góp phần nâng cao sức khỏe của thế hệ trẻ ngay từ lúc lọt.

Đặc biệt, việc cho trẻ sơ sinh tiếp cận dòng sữa mẹ trong 1 giờ đầu tiên sau khi sinh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cố vấn của UNICEF, bà France Begin, khẳng định việc trẻ sơ sinh phải chờ đợi quá lâu để tiếp xúc với mẹ làm giảm cơ hội sống sót của trẻ, nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn, hạn chế tạo sữa mẹ và giảm khả năng nuôi dưỡng trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời.

Ngay các bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS cũng được khuyến khích duy trì sữa mẹ cho con song song với việc uống thuốc ART, qua đó giúp ngăn ngừa sự lây lan của virus HIV trong cơ thể trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, việc duy trì dinh dưỡng “vàng” này cho trẻ trong 6 tháng là yếu tố cốt lõi để trẻ có sự phát triển toàn diện sau này, tránh bị suy dinh dưỡng dưới mọi hình thức.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UNICEF, hiện trên thế giới cứ 5 trẻ sơ sinh thì có tới 3 bé không được bú mẹ trong 1 giờ đầu tiên sau sinh, tức là khoảng 78 triệu trẻ đang bị "tước bỏ" quyền lợi này. Tại châu Phi, nơi tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong cao nhất thế giới, thì tỷ lệ trẻ được tiếp cận sớm với nguồn dinh dưỡng quý giá này chỉ tăng 10% kể từ năm 2000.

Ngay tại Đông Nam Á, dù tỷ lệ trẻ sơ sinh được bú mẹ sớm đã tăng 3 lần trong 15 năm qua, song hiện vẫn còn 21 triệu trẻ sơ sinh phải chờ đợi quá lâu để được bú mẹ lần đầu. Kết quả đánh giá tại 194 quốc gia cũng cho thấy, không một quốc gia nào đáp ứng đủ mức khuyến cáo nuôi con bằng sữa mẹ khi chỉ có 40% trẻ dưới 6 tháng trên thế giới được bú mẹ hoàn toàn, trong khi chỉ có 23 quốc gia ghi nhận tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn là 60%.

Một phân tích mới đây chỉ ra rằng việc đầu tư khoảng 4,7 USD mỗi năm cho một trẻ sơ sinh có thể góp phần tăng tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi lên 50% đến năm 2025. Cũng theo nghiên cứu này, chỉ với mức tăng 10% tỉ lệ trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ như vậy, sẽ 520.000 trẻ được cứu sống và thế giới tiết kiệm được 300 tỷ USD.

Hình ảnh người mẹ cho con bú từ cổ chí kim luôn là biểu tượng cao nhất của tình mẫu tử, của tình yêu thương được san sẻ và trao nhận, của sự kết nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với ý nghĩa "nuôi con bằng sữa mẹ - nền tảng của cuộc sống", việc tích cực, duy trì nuôi con bằng sữa mẹ và khuyến khích hành động cao cả, đẹp đẽ này sẽ tạo nền tảng cả ngắn hạn và lâu dài, mang lại cho trẻ sơ sinh một sự khởi đầu tốt đẹp, xây dựng một tương lai tươi sáng cho trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời, từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống để hướng tới phát triển bền vững cho xã hội./.

Để sữa mẹ là nền tảng dinh dưỡng cho cuộc sống trẻ thơ ảnh 2
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục