Năm nay, “dê vàng” [thế hệ học sinh sinh năm 2003-pv] sẽ bước vào Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia giữa những đợt nóng 39, 40 độ C. Nhiều địa điểm tổ chức thi dù có điều hòa nhưng không được bật để hạn chế tối đa bất cứ nguy cơ lây nhiễm COVID-19 nào.
“Dự báo mấy hôm con đi thi là trời mưa đấy,” chị Huyền đang dọn dẹp mâm cơm sau bữa tối, sực nhớ ra. Không chờ bản tin nói đến khu vực Hà Nội, anh Đăng, chồng chị nghe thế liền cầm điện thoại lên để tự kiểm tra lại cho nhanh. “Ừ thế may quá, cứ nắng chang chang thế này con thi cử sẽ rất mệt...”
Phụ huynh lo hơn sỹ tử
Từ một năm, một tháng, một tuần, giờ đây chỉ còn vài ngày, học sinh lớp 12 trên toàn quốc đang bước vào những ngày nước rút cuối cùng trước kỳ thi quan trọng của cuộc đời.
Đối với những em chỉ thi tốt nghiệp, áp lực về điểm số có phần nhẹ nhàng. Song đối với những em có nguyện vọng vào trường đại học tốt thì đây là một cuộc đua "điền dã" từ lâu.
Vài ngày trước hôm thi, chị Huyền, một nhân viên văn phòng tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết mỗi buổi chiều, con trai chị và các bạn vẫn hẹn nhau học nhóm để cùng ôn lại cách dạng bài khó.
[Diễn tập các phương án phòng dịch COVID-19 trước Kỳ thi THPT quốc gia]
Phùng, con trai của anh chị sẽ cùng các bạn bước vào thi đại học trong hai ngày 7/7 và 8/7. 6 năm trước, con gái lớn của chị đã thi xong, nay đã ra trường và đang đi kiếm việc. Năm nay đến lượt cậu con trai thứ hai “lên thớt.”
“Đây không phải lần đầu tôi lo lắng vì chuyện thi cử của con. Có điều, tôi lo hôm thi mà trời vẫn nóng thì làm bài hiệu quả không cao,” chị Huyền nói. Đã hơn 19 giờ 30 tối, chị đang sắp lại mâm cơm cho Phùng vì 10-15 phút nữa con mới hết giờ học thêm online.
Với một năm đặc biệt như 2021 này, những mối lo của phụ huynh được cộng hưởng lên nhiều lần. Từ việc không khí nóng bức trong phòng thi cũng có thể làm giảm hiệu quả bài làm của con em mình cho đến việc liệu cô giảng bài qua điện thoại như vậy có hiệu quả bằng đi học thêm, nghe giảng trực tiếp không…
Trái với sự lo lắng của nhiều cha mẹ, nhiều em học sinh nắm rõ hơn về sức học của mình. “Những ngày này em không quá mệt vì đã dốc sức trong suốt một thời gian dài, thói quen không có gì thay đổi so với những ngày trước. Em xác định chỉ ôn đến chừng 11, 12 giờ đêm, khi buồn ngủ thì sẽ đi ngủ luôn để mai dậy sớm,” Phùng chia sẻ ngắn gọn.
Ngược lại cũng có những em học sinh càng đến ngày cuối càng cố gắng vắt sức ra học. Cùng khung 20 giờ kém 15 phút, ở nhà Gia Huy (Nam Định) cậu đang cắm cúi học toán trực tuyến với các bạn ở lớp học thêm.
Hai cục tạ em thường dùng để luyện cơ tay được xếp ngay ngắn sau cửa, bám bụi vì lâu không sờ tới. Hơn một tháng nay, Huy thường dính liền với bàn học mà bỏ qua thói quen tập thể dục mỗi sáng và tối trước giờ ăn.
Như hôm nay, cậu phải học trong suốt giờ ăn tối của cả nhà. Tiếng tivi ở tầng 1 cũng giảm hẳn âm lượng để Huy ở tầng hai có thể tập trung tối đa.
Có nhiều hôm, chị Lam, mẹ của Huy còn mang bánh và sữa hay một khay cơm nhỏ lên tận phòng học vì lo con đói.
“Tôi tuyệt đối không kiêng khem các món chỉ vì nó gợi cảm giác bị điểm 0, điểm 1... Quan trọng nhất bây giờ là ăn cho đúng và đủ chất,” chị Lam khẳng định.
Ôn bài, ôn cả phương pháp học
Vì thời gian có hạn, Phùng xác định chỉ ôn Toán, Lý và Anh - những môn “đinh” liên quan đến khối ngành A1 của mình. Nhiều lần chị Huyền ra sức khuyên con ôn thi thêm hai môn Văn, Hóa học để có thêm cơ hội với các ngành khối D và A nhưng Phùng quả quyết với hướng đi của mình.
“Em tin là mình đã có lựa chọn phù hợp, em không muốn và cũng không thể dàn trải sức cho nhiều môn. Em chỉ tập trung duy trì điểm 8,9 cho các môn chính,” Phùng cho biết.
Bên cạnh ba môn Toán-Văn-Anh, thí sinh còn phải thực hiện một trong hai bài thi tổ hợp (tổ hợp 3 môn tự nhiên Lý-Hóa-Sinh hoặc 3 môn xã hội Sử-Địa-Giáo dục công dân). Mỗi môn trong bài tổ hợp sẽ có một đề thi và nháp riêng, sau 50 phút làm bài mỗi môn, đề thi và nháp sẽ bị thu lại.
Phùng và nhóm bạn thường xuyên thu thập và thử nghiệm nhiều lời khuyên về cách làm bài trong phòng thi cho hiệu quả. Ví dụ, để không tốn quá nhiều thời gian vào câu khó trong bài thi Lý, Phùng sẽ ghi nhớ đề bài để nghĩ thêm sau khi đã làm xong đề Hóa và Sinh.
Đây là hai môn em không tập trung đạt điểm cao, chỉ cần thoát điểm “liệt” nên sẽ dành ra được nhiều thời gian cho việc khác.
Đối với Ngọc Linh (Nam Định), môn thi em yên tâm nhất là tiếng Anh, lo nhất là Văn. “Theo đề thi minh họa của Bộ, đối với phần phân tích văn học, chúng em sẽ phải phân tích một đoạn văn. Nếu phải phân tích một nhân vật, chúng em chỉ cần nhớ và trích dẫn chứng có trong văn bản có nhân vật đó. Đối với bài phân tích đoạn văn, chúng em sẽ phải tự đọc thêm từ nhiều nguồn tư liệu để làm giàu cho bài viết.”
Khác với người bạn Gia Huy cùng lớp, Ngọc Linh không ép bản thân phải học quá sức và tuân theo phương châm “ngủ sớm dậy sớm.” “Học buổi sáng lúc nào cũng hiệu quả hơn nên em không cố thức đêm, cũng không uống cà phê vì dễ bị say, căng thẳng thần kinh,” em cho biết.
[Thi tốt nghiệp THPT: Giáo viên luyện thi chỉ bí kíp 'ăn điểm' môn Toán]
Mỗi sáng, Linh thường uống một cốc nước lọc lớn để có cảm giác tỉnh táo tinh thần, đánh thức mọi cơ quan trong cơ thể đã sẵn sàng. Em cũng cố gắng ăn uống đúng giờ, nghỉ giải lao sau mỗi khi học 2 tiếng, 2 tiếng rưỡi để duy trì sức khỏe tốt nhất cho ngày thi.
“Có thể ngày cuối em sẽ chỉ làm 1 đề mỗi môn, cũng có thể sẽ nghỉ giải lao nhiều hơn một chút. Tối sẽ đi ngủ sớm một chút để giữ trạng thái tỉnh táo, khỏe mạnh nhất,” Ngọc Linh cho biết.
Còn đối với Phùng, em cho biết sẽ chỉ học buổi sáng ngày 6/7. Sau khi đến điểm thi để kiểm tra mọi thông tin và nghe phổ biến quy chế vào chiều cùng ngay, em chủ yếu sẽ nghỉ ngơi và “làm miệng” một số bài khó các môn vào tối hôm đó chứ không ngồi vào bàn học hay ghi chép gì ra giấy nữa./.