Ngày 22/2, hãng tin Yonhap dẫn lời các chuyên gia Mỹ nhận định nước này đã đúng khi theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên, song cần cân nhắc thay đổi phương thức để đạt được mục tiêu này.
Giới chuyên gia cho rằng Mỹ có thể hoặc nên cân nhắc dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Triều Tiên để thúc đẩy đối thoại.
Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến có chủ đề "Báo cáo giữa kỳ chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Triều Tiên," chuyên gia Robert Gallucci cho biết hiện tồn tại tranh cãi ở Washington về việc liệu Mỹ có nên từ bỏ mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên hay không.
Theo ông, phi hạt nhân hóa hoàn toàn vẫn là mục tiêu đúng đắn. Tuy nhiên, ông khẳng định chính sách hay chiến thuật của Mỹ, như gia tăng sức ép kết hợp với các biện pháp trừng phạt, để buộc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán lại không phát huy hiệu quả.
Ông Gallucci, người từng tham gia phái đoàn đàm phán về phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, cho rằng Mỹ cần đưa ra nhượng bộ trước. Theo đó, ông đề xuất Mỹ có thể cân nhắc 2 điều gồm nới lỏng trừng phạt Triều Tiên và giảm tần suất tập trận chung với Hàn Quốc.
[Mỹ đưa thêm 2 cá nhân của Triều Tiên vào danh sách trừng phạt]
Tương tự, cựu quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton cũng nhận định các biện pháp chống Triều Tiên sẽ không tạo ra bước đột phá, đồng thời cho rằng Mỹ nên thử lựa chọn việc dỡ bỏ các biện pháp này.
Trong khi đó, chuyên gia Robert Carlin của trang tin 38 độ Bắc nhấn mạnh Mỹ cần làm nhiều hơn để tái khởi động đối thoại với Triều Tiên thay vì liên tiếp khẳng định rằng Washington không có ý định thù địch với Bình Nhưỡng.
Về phần mình, cựu Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon cho rằng Mỹ cần thực hiện các bước đi nhằm đảm bảo an ninh cho Triều Tiên song song với việc Bình Nhưỡng thực hiện các biện pháp phi hạt nhân hóa.
Theo ông Lee Nak-yon, vấn đề phi hạt nhân hóa của Triều Tiên nên được giải quyết bằng cách giảm thiểu các mối đe dọa lẫn nhau, song song với việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.
Washington và Bình Nhưỡng phải hành động hướng tới phi hạt nhân hóa và bình thường hóa ngoại giao, đồng thời vượt qua sự ngờ vực lẫn nhau.
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ rơi vào bế tắc kể từ cuối năm 2019. Đến nay, Bình Nhưỡng vẫn chưa hồi đáp các đề nghị đàm phán được Washington đưa ra kể từ khi Tổng thống Biden bắt đầu nhiệm kỳ từ hồi tháng 1/2021.
Liên quan đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, cùng ngày 22/2, các nghị sỹ Hàn Quốc dẫn lời các quan chức tình báo nước này cho biết trong năm nay Bình Nhưỡng có thể phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) theo quỹ đạo bình thường và tiến hành thử hạt nhân để hoàn thiện năng lực hạt nhân và tên lửa./.