Tại hội thảo quốc tế “Tài nguyên thiên nhiên và Quản lý rủi ro thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu” diễn ra ngày 10/1, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai gia tăng, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quản lý tài nguyên thiên nhiên đưa vào chương trình giảng dạy là hết sức cần thiết.
Đưa thông tin biến đổi khí hậu vào chương trình giáo dục
Phó giáo sư tiến sỹ Phạm Quý Nhân, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết quản lý tài nguyên và nhân lực hiện đang là chiến lược chính của Chính phủ Việt Nam để phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai gia tăng.
Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cho thấy “quản lý tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam vẫn còn hạn chế và đang bị khai thác không hiệu quả.”
Vì thế, ông Nhân cho rằng cần thiết phải nghiên cứu và đề xuất các giải pháp sáng tạo để quản lý tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu và gia tăng rủi ro thiên tai; sử dung hiệu quả tài nguyên thiên nhiên theo hướng tang trưởng xanh và phát triển bền vững.
Ngoài ra, vấn đề tăng cường nguồn nhân lực cũng được công nhận mạnh mẽ thông qua các chiến lược quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai. Trong đó, giáo dục về biến đổi khí hậu được nhấn mạnh là quan trọng nhất và cần được tích hợp vào chương trình giảng dạy quốc gia từ tiểu học đến giáo dục đại học.
Ở cấp giáo dục đại học, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có Bộ môn Bến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Trong những năm qua, Bộ môn này đã có hàng chục công trình nghiên cứu (bài tham luận) đề xuất giải pháp giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu; đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bang công nghệ vệ tinh; quản lý tổng hợp không gian ven biển Việt Nam...
[Ô nhiễm không khí lọt vào 10 sự kiện tài nguyên môi trường năm 2019]
Đưa ra hành động có trách nhiệm cho tương lai
Chia sẻ kinh nghiệm từ Nhật Bản, giáo sư ITO Tetsuji, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu (ICAS), Đại học Ibaraki cho rằng giải quyết biến đổi khí hậu cần cả cách tiếp cận từ khoa học tự nhiên và khoa học nhân loại.
“Mối quan tâm chung của chúng ta là tập trung vào những tác động biến đổi khí hậu sẽ gây ra và cách chúng ta giải quyết các tác động đó. Nói cách khác, chúng ta cần đưa ra các biện pháp giảm thiểu và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu,” giáo sư ITO Tetsuji nêu quan điểm và cho rằng thế giới dường như đang chuyển động theo hướng bị chia rẽ và ưu tiên cho lợi ích riêng của mình thay vì hợp tác.
Vì thế, “nếu xu hướng đó ngày càng gia tăng, chúng ta sẽ tự rơi vào thế ‘tiến thoái lưỡng nan.’ Kết quả là tất cả chúng ta đều chịu tác động tiêu cực và không ai được hưởng lợi,” giáo sư ITO Tetsuji nhấn mạnh.
Dẫn câu chuyện cô gái 17 tuổi người Thụy Điển, Greta Thunberg, đã gửi những thông điệp mạnh mẽ về cuộc khủng hoảng do biến đổi khí hậu tại Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu (COP25) tại Madrid (Tây Ban Nha) vào tháng 12/2019, giáo sư ITO Tetsuji cho biết trước hành động của cô gái trẻ này, những người trẻ tuổi ở nhiều quốc gia trên thế giới đang bắt đầu lên tiếng với mong muốn có một tương lai tốt đẹp hơn.
“Trong khi nhiều người lớn chỉ trích cô ấy nhưng tôi cảm thấy đó là những thông điệp quan trọng từ các thế hệ tương lai,” giáo sư ITO Tetsuji cho biết.
Ông cũng cho rằng các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra không chỉ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên mà còn tác động đến cả môi trường xã hội và thậm chí văn hóa hay phong tục của con người. Bởi vậy, giải quyết các vấn đề này không chỉ đòi hỏi cách tiếp cận từ khoa học tự nhiên mà còn cần cách tiếp cận từ khoa học nhân loại.
Vì vậy, “chúng ta hãy làm việc cùng nhau và phát huy trí tuệ, đưa ra những hành động có trách nhiệm cho tương lai chung. ICAS cũng hy vọng sẽ làm được như vậy cho thế hệ tương lai để cùng nhau tạo ra môi trường bền vững,” giáo sư ITO Tetsuji nói.
Có chung quan điểm, giáo sư Tae Yoon Yark, Đại học Yonsei (Hàn Quốc) cho rằng một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là cần tăng cường hợp tác qua đào tạo để giải quyết biến đổi khí hậu.
Tại sự kiện, dự án 5 năm (từ 2015-2019) về tăng cường năng lực cho bộ môn biến đổi khí hậu của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã được giới thiệu. Dự án này được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA).
Trong 5 năm triển khai dự án, các bên đã xây dựng chương trình đào tạo và các khóa học về biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cho các giảng viên, hỗ trợ xây dựng và trang bị các thiết bị học tập, cơ sở vật chất, tổ chức các khóa bồi dưỡng cho các giảng viên tại Seoul, Hàn Quốc.
“Hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác trong tương lai và bắt đầu hợp tác với các thành viên khác ở châu Á tham gia hội thảo hôm nay. Nếu làm được như vậy, chúng ta có thể giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu ở châu Á và trên toàn thế giới,” giáo sư Tae Yoon Yark nhấn mạnh./.
Hội thảo “Tài nguyên thiên nhiên và Quản lý rủi ro thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu” do Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với các trường Đại học Ibaraki (Nhật Bản), Đại học Yonsei (Hàn Quốc), Đại học Việt - Nhật tổ chức với sự tham gia của hơn 40 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Sự kiện nhằm trao đổi và chia sẻ kết quả khoa học, kinh nghiệm nghiên cứu, chuyên môn học thuật giữa các sinh viên với các nhà khoa học trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực, thiên tai và biến đổi khí hậu; công bố các nghiên cứu mới nhất và chất lượng cao trong lĩnh vực này... Trong khuôn khổ hội thảo có gần 40 bài tham luận và poster tập trung vào các nội dung biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai, quản lý tài nguyên thiên nhiên, hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường của các nhà khoa học, các sinh viên của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường và các trường Đại học trên thế giới… |