Từ ngày 29/11 đến 5/12, Hội nghị quốc tế về AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở châu Phi (ICASA) lần thứ 18 diễn ra tại thủ đô Harare, Zimbabwe.
Đây là Hội nghị quốc tế lớn về AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) ở châu Phi, được tổ chức luân phiên 2 hai năm một lần tại các quốc gia châu Phi, do các Quỹ xã hội mở, Quỹ Robert Carr, Chương trình phòng chống và tuyên truyền về ma túy của Cộng đồng châu Âu (ECDPIP) đồng tài trợ.
Hàng nghìn đại biểu đại diện chính phủ nhiều nước, các nhà khoa học hàng đầu thế giới về HIV/AIDS, các nhà hoạch định chính sách, hoạt động xã hội... tham dự Hội nghị ICASA 2015, với việc tập trung thảo luận về nhiều vấn đề có liên quan đến căn bệnh thế kỷ này, nhất là những nghiên cứu mới nhất về công tác phòng chống, biện pháp điều trị dịch bệnh nguy hiểm này.
Hội nghị ICASA lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Marrakech của Maroc.
Hội nghị ICASA 2015 nhấn mạnh đến sự phối hợp đồng bộ giữa các chính phủ ở châu lục này và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), UNAIDS, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ... để "chung tay" giải quyết tận gốc vấn đề HIV/AIDS hiện nay và trong tương lai.
Theo số liệu thống kê của Chương trình Phối hợp về HIV/AIDS của Liên hợp quốc (UNAIDS), năm 2014, trong tổng số hơn 3 triệu người đang sống chung với HIV/AIDS trên toàn thế giới, có hơn 80% tổng số người nhiễn HIV/AIDS tập trung ở vùng cận sa mạc Sahara của châu Phi, trong đó, 50% người nhiễm HIV/AIDS dưới 24 tuổi, 20% ở lứa tuổi trên 15 tuổi và 10% dưới 15 tuổi đang được chữa trị tại các cơ sở y tế địa phương.
Đặc biệt, ở một số quốc gia châu Phi do không có "thói quen" sử dụng bao cao su, nên tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, nhất là trong độ tuổi thanh thiếu niên là rất cao. Nhiều trường hợp mắc căn bệnh này đã bị gia đình, cộng đồng dân cư chối bỏ, nên đã và đang tạo gánh nặng cho xã hội tại khu vực này.
Mỗi năm, HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của gần 3 triệu người trên toàn thế giới, trong đó, gần 2/3 sống ở vùng Nam sa mạc Sahara châu Phi, nơi tỷ lệ bệnh nhân nữ đang tăng với tốc độ cao.
WHO dự báo đến năm 2025, hơn 90 triệu người ở lục địa này sẽ bị nhiễm HIV/AIDS, chiếm 10% tổng dân số tại đây.
Theo các báo cáo nghiên cứu được trình bày và công bố tại Hội nghị ICASA lần thứ 18, mặc dù tỷ lệ lây nhiễm HIV trên phạm vi toàn cầu, nhất là khu vực châu Phi, đã giảm sút, nhưng ở mức báo động trong giới trẻ thời gian gần đây, do vậy, Hội nghị ICASA lần này đã đề nghị chính phủ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là châu Phi, cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế về y tế, nhân đạo, xã hội...nhằm tìm ra những biện pháp cấp bách, cần thiết để phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh thế kỷ này trong thời gian tới.
Hội nghị ICASA tại Zimbabwe lần này gắn liền với thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) của Liên hợp quốc, dự kiến xây dựng chiến lược mới trong việc phòng chống và ngăn chặn có hiệu quả các bệnh HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở châu Phi trong tương lai.
Theo các nhà nghiên cứu, hiện châu Phi vẫn là tâm điểm của dịch bệnh nguy hiểm này nên các nỗ lực, quyết tâm chính trị và hỗ trợ của quốc tế trong việc kiểm soát HIV/AIDS tại khu vực nhảy cảm này là một trong những ưu tiên sẽ được thảo luận và tháo gỡ tại Hội nghị quốc tế về ADIS và STI lần này.
Tuy nhiên, các quốc gia châu Phi cũng cần đầu tư tài chính hơn nữa để hỗ trợ cho ngành y tế tại đây hiện đang thiếu và yếu. Ngoài ra, cần tăng cường sự tương tác giữa ngành y tế công đồng, khoa học công nghệ và phương pháp tiếp cận quyền con người trong kiểm soát và loại bỏ dịch bệnh HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục tại châu Phi; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, thực hành trong việc điều tri, ứng phó với AIDS và các dịch bệnh rất nguy hiểm mới như Ebola tại châu Phi.
Trước đó, theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở châu Phi dự đoán giảm từ 1,5%-2% mỗi năm do đại dịch HIV/AIDS, khiến nhiều quốc gia ở lục địa này, nhất là khu vực Nam sa mạc Sahara và miền Nam châu Phi này, sẽ rất khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội./.