Di sản vô giá của hai nhà lãnh đạo kiệt xuất của Việt Nam và Lào

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane là những nhà lãnh đạo vĩ đại, những nhà tư tưởng, lý luận kiệt xuất nhất của dân tộc Việt Nam và dân tộc Lào.
Ban Chủ tọa Hội thảo. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 30/8 tại thủ đô Vientiane, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Lào và Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam và Tư tưởng Kaysone Phomvihane với cách mạng Lào.”

Đây là một trong những hoạt động nằm trong khung khổ Thỏa thuận hợp tác khoa học 4 bên được 4 Viện ký kết vào tháng 10/2016.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Kikeo Khaykhamphithoune, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; đồng chí Somsavat Lengsavath, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Lào; giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đồng chí Sukcongseng Sayaleath, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Lào; đồng chí Thongsalith Mangnomek, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào; đồng chí Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cùng đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đến từ 4 viện trên.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Kikeo Khaykhamphithoune nhấn mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đều là những nhà lãnh đạo vĩ đại; những nhà tư tưởng, lý luận kiệt xuất nhất của dân tộc Việt Nam và dân tộc Lào.

Hai Chủ tịch đều là nhân tố quyết định thắng lợi của mọi giai đoạn cách mạng Lào và Việt Nam; là những người đã sáng lập và dày công vun đắp, gìn giữ mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam, điều đã trở thành truyền thống tốt đẹp, là yếu tố đảm bảo thắng lợi và trở thành quy luật tồn tại và phát triển của cả hai dân tộc.

Đồng chí Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đang phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Chính vì vậy, Hội thảo lần này không chỉ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc làm phong phú hơn kho tàng lý luận, thực tiễn của hai Đảng, mà còn hết sức bổ ích và thiết thực phục vụ cho việc hoàn thiện đường lối chính sách, tổ chức thành công chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước của mỗi nước, góp phần làm cho sự hợp tác trong lý luận giữa hai Đảng ngày càng hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước Lào và Việt Nam.

[Hai nền tảng tư tưởng có ý nghĩa đặc biệt của Việt Nam và Lào]

Trong bầu không khí ấm áp, thẳng thắn và xây dựng, hơn 100 nhà lý luận, khoa học và thực tiễn của Việt Nam và Lào đã mang tới Hội thảo hơn 40 bài tham luận và nhiều ý kiến phát biểu, phân tích, đánh giá một cách cụ thể và sâu sắc về tư tưởng của hai nhà lãnh đạo kiệt xuất của hai nước.

Các bài tham luận hẳng định vai trò, ý nghĩa và đóng góp to lớn của Tư tưởng Hồ Chí Minh đối với Cách mạng Việt Nam và tư tưởng Kaysone Phomvihane đối với cách mạng Lào, đặc biệt trên phương diện đi sâu, làm rõ những đóng góp về hệ tư tưởng; lý luận xây dựng Đảng và chính quyền nhân dân, về những giá trị thời đại, tầm ảnh hưởng lan tỏa phạm vi quốc gia, khu vực và thế giới của các nhà cách mạng tiền bối Hồ Chí Minh và Kaysone Phomvihane…

Đồng chí Thongsalith Mangnomek, Ủy viên TƯ Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị và Hành chính quốc gia Lào, đang phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Hội thảo cũng phân tích và làm rõ những nét tương đồng và sự sinh thành, bồi đắp về mặt tư tưởng, lý luận, hành động và thực tiễn cách mạng giữa hai lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc, đã vun đắp và hình thành nên tình hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc vốn được hun đúc từ sự tương đồng về địa lý, lịch sử, văn hóa và truyền thống của hai dân tộc.

Các nhà khoa học của Lào và Việt Nam đã đề cập đến sự gặp gỡ lịch sử giữa hai con người, hai nhân cách, hai lãnh tụ vĩ đại đã để lại di sản vô giá về tình đoàn kết, keo sơn, gắn bó, "sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long; cao hơn dãy Trường Sơn ngút ngàn,” đáng chú ý đó là những nét tương đồng về sự lựa chọn con đường, phương thức và mục tiêu cách mạng, cho đến cách thức tổ chức thực hiện để hiện thực hóa những mục tiêu cao cả ấy cho mỗi người dân, cộng đồng và toàn xã hội.

Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Hội thảo cũng nhất trí cần tăng cường trao đổi, chia sẻ và giao lưu học thuật giữa 4 cơ quan nói riêng cũng như giữa Việt Nam và Lào nói chung trong nghiên cứu, truyền bá và giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và tư tưởng Kaysone Phomvihane đối với cách mạng Lào để phục vụ sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới hiện nay…

Phát biểu bế mạc Hội thảo, giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng cho biết sau một ngày làm việc nghiêm túc và hiệu quả, Hội thảo đã thành công tốt đẹp, khẳng định, thành công của Hội thảo 4 bên hôm nay cũng như tại hội thảo ở Bình Thuận tháng Sáu vừa qua, sẽ tiếp tục là cơ hội để 4 viện tiếp tục hợp tác nghiên cứu, kết nối và chia sẻ sâu rộng hơn, và là cơ sở để thúc đẩy các hợp tác toàn diện, hiệu quả và quy mô lớn hơn giữa 4 cơ quan trong thời gian tới, đồng thời góp phần thiết thực vào không khí sôi động của chuỗi các sự kiện Kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt-Lào đang diễn ra khắp nơi ở hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục