Là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Nguyên, Lâm Đồng không có những lợi thế về địa lý, giao thông. Nhưng bù lại, địa phương này được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp, nhất là các sản phẩm nông nghiệp vùng ôn đới.
Từ nhiều năm qua, Lâm Đồng đã chú trọng cải thiện chính sách, thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt hiệu quả khá cao về kinh tế, an sinh xã hội.
Đã từ lâu, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận nổi tiếng là một vùng đất du lịch cổ xưa, với các sản phẩm xứ lạnh như hoa, rau quả vùng ôn đới; các giống càphê, trà của vùng Cầu Đất hiếm có, bởi nguồn giống được lưu giữ hàng trăm năm nay hay tơ lụa của thành phố Bảo Lộc, sản phẩm cá nước lạnh, dược phẩm...
Cũng bởi vậy, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lâm Đồng là địa phương đứng đầu cả nước về thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng, tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 103 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động với tổng nguồn vốn đăng ký gần 531 triệu USD.
Trong số đó, có 88 dự án 100% vốn nước ngoài với số vốn đăng ký 454 triệu USD, còn lại là các dự án liên doanh và hợp đồng hợp tác liên doanh.
Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại địa phương này do các tổ chức và cá nhân ở 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư, chủ yếu là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Trong số các nhà đầu tư FDI vào tỉnh Lâm Đồng, phải kể tới Công ty trách nhiệm hữu hạn Dalat Hasfarm đến từ Hà Lan. Đây là một doanh nghiệp lớn, đã đầu tư vào hoạt động tại Lâm Đồng từ năm 1994 trong lĩnh vực trồng, sản xuất, kinh doanh các loại hoa; chăn nuôi sản xuất và cung ứng bò sữa, bò thịt; trồng trọt, chế biến, kinh doanh rau và các sản phẩm nông nghiệp…
Trong giai đoạn 2012-2016, công ty này đã áp dụng công nghệ tự động hóa trong nông nghiệp để sản xuất các loại hoa cắt cành, hoa chậu, cây giống hoa để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao về chủng loại và mẫu mã.
Với doanh thu năm 2012 đạt 810 tỷ đồng, đến 2016 tăng lên 1.385 tỷ đồng, công ty này dành 1% cho chi phí nghiên cứu và phát triển. Ngoài nộp ngân sách gần 50 tỷ đồng/năm, Dalat Hasfarm tạo việc làm cho trên 2.200 lao động có thu nhập ổn định trên 6 triệu đồng/người/tháng, tham gia nhiều hoạt động từ thiện xã hội và chia sẻ cộng đồng.
Ông Lưu Trùng Dương, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cho biết phần lớn các dự án FDI đầu tư vào địa phương là những dự án nhỏ, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với mức vốn bình quân khoảng 5,12 triệu USD/dự án.
[Doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả vượt trội trong nền kinh tế]
Trong 30 năm qua, tổng doanh thu của các dự án này đạt khoảng 3,2 tỷ USD. Phần lớn các doanh nghiệp FDI đều có hoạt động xuất khẩu với tỷ lệ xuất khẩu đạt gần 72% so với tổng doanh thu. Năm 2014 là năm có doanh thu xuất khẩu cao nhất, lên tới trên 297 triệu USD, năm 2017 giảm xuống còn trên 213 triệu USD...
Hoạt động của các dự án FDI góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10.000 lao động và hàng nghìn lao động thời vụ của địa phương…
Trong thời gian qua, số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Lâm Đồng không nhiều, vốn đầu tư không lớn, nhưng các dự án này đã đóng góp một phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến đã và đang làm tăng giá trị hàng nông sản vốn thuộc thế mạnh của địa phương như các loại rau, hoa, trà Ô Long…trở thành những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước.
Quan trọng hơn, hoạt động của các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động địa phương, hình thành trong họ kỹ năng quản lý, kỹ năng lao động mang tính chuyên nghiệp học hỏi được từ các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật nước ngoài...
Đối với chủ trương thu hút đầu tư vào địa phương trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng đánh giá các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến sẽ vẫn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Do vậy nội dung thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng tạo nguồn lực cho sự phát triển của tỉnh.
Bởi vậy, tỉnh Lâm Đồng đặt ra mục tiêu thu hút đầu tư FDI trong thời gian tới phải có chọn lọc, ưu tiên với dự án tiết kiệm tài nguyên, dự án có trình độ công nghệ hiện đại, có tiềm lực tài chính mạnh để đảm bảo phát triển bền vững xanh, sạch và theo chiều sâu…
Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chia sẻ đối với doanh nghiệp FDI, nên lựa chọn các doanh nghiệp lớn, tập đoàn có tiềm lực thực sự về vốn, công nghệ và thị trường để thu hút đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu đến các thị trường của doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện thí điểm mô hình Khu công nghiệp nông nghiệp để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản đến sản xuất, liên kết với nông dân sản xuất, chế biến nông sản và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản…
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và đang gặt hái được nhiều thành công như Công ty trách nhiệm hữu hạn Dalat Hasfarm; Công ty trách nhiệm hữu hạn Maico-Đà Lạt đầu tư trong lĩnh vực du lịch tại hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt); Công ty Thực phẩm Asuzac với sản phẩm rau củ quả sấy khô tại huyện Đơn Dương; Công ty Bejo Việt Nam sản xuất hạt giống cây tại thành phố Đà Lạt và huyện Lâm Hàhay Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương phẩm Atlantic chế biến, xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam đang đầu tư tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc…/.