Dịch bệnh MERS-CoV có thể xâm nhập và lây lan vào Việt Nam

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dịch bệnh MERS-CoV có thể xâm nhập và lây lan vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau.
Quanh cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 2/6, tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh về bệnh MERS-CoV (Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus Corona), Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu nhận định rằng dịch bệnh MERS-CoV có thể xâm nhập và lây lan vào Việt Nam thông qua công dân Việt Nam đi công tác, lao động, học tập trở về từ vùng có dịch hoặc công dân từ các quốc gia khác đã xuất phát, đi qua vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, đến ngày 2/6, Hàn Quốc đã ghi nhận 25 trường hợp mắc bệnh này và có 2 trường hợp tử vong. Bệnh xảy ra lần đầu tiên tại Saudi Arabia từ năm 2012, tới nay đã lây lan ra 26 quốc gia với 1.154 trường hợp mắc, trong đó có 434 ca tử vong.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các cửa khẩu quốc tế thực hiện ngay việc khai báo y tế đối với hành khách từ Hàn Quốc đến Việt Nam, tuyên truyền để người đi từ vùng có dịch MES-CoV về khai báo y tế để được theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc khi có các triệu chứng bệnh; đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện giám sát các ca bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu các cơ quan trực thuộc Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh MES-CoV, trong đó tuyên truyền để người dân không đi đu lịch đến vùng có dịch bệnh trong thời điểm này.

Với những người đi từ Hàn Quốc và những vùng có dịch bệnh đến Việt Nam cần thực hiện nghiêm việc khai báo và theo dõi sức khỏe; tuyên truyền để người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đặc biệt là phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virus corona (MERS-CoV) tại Việt Nam; đồng thời gửi công văn đề nghị Cục Hàng không Việt Nam, Cục Quản lý xuất nhập cảnh và các đơn vị có liên quan phối hợp với kiểm dịch y tế tại sân bay để triển khai áp dụng tờ khai y tế.

Ngành y tế đã có công văn chỉ đạo các địa phương có cửa khẩu, đặc biệt là các tỉnh có cảng hàng không quốc tế lớn tăng cường các biện pháp phòng, chống MERS-CoV.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh thời gian tới, để phòng chống dịch bệnh MERS-CoV hiệu quả, ngành y tế tiếp tục tăng cường giám sát tại cửa khẩu; thực hiện khai báo y tế và chủ động khai báo; giám sát chặt chẽ hành khách từ vùng dịch.

Đồng thời, ngành y tế cũng có phương án thu dung điều trị theo từng tình huống; chống lây lan trong bệnh viện và lây cho cán bộ y tế; đặc biệt chú ý khai thác yếu tố dịch tễ của MERS-CoV khi khám và điều trị.

Bên cạnh đó, ngành y tế phối hợp với các đơn vị liên quan áp dụng nhiều biện pháp truyền thông tại cửa khẩu để hành khách tự giác, chủ động thực hiện khai báo, phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh công tác truyền thông tại các cơ sở y tế để phát hiện sớm, tránh lây nhiễm; đồng thời, truyền thông tại cộng đồng để người dân chủ động phòng chống dịch bệnh, không gây hoang mang lo lắng.

Ngoài ra, ngành y tế tiếp tục rà soát, cập nhật các hướng dẫn, tài liệu chuyên môn; tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, phòng chống và điều trị bệnh; đẩy mạnh công tác xét nghiệm chẩn đoán; tiếp tục rà soát các trang thiết bị, vật tư, hóa chất dự trữ phòng chống dịch, trang bị phòng hộ cá nhân để có kế hoạch bổ sung kịp thời; bố trí kịp thời kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh...

Trước đó, đầu tháng 7/2014, các cửa khẩu quốc tế sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) đã áp dụng khai báo y tế đối với hành khách đến từ Trung Đông (nơi khởi phát dịch bệnh MES-CoV).

Từ đầu năm đến nay, tổng số người nhập cảnh Việt Nam từ 9 quốc gia vùng có dịch bệnh thuộc khu vực Trung Đông là 23.000 người, như vậy trung bình hàng tháng có gần 5.000 người đến Việt Nam qua 2 cửa khẩu Nội Bài và Tân Sơn Nhất.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục