Chính quyền 7 bang Đông Bắc nước Mỹ ngày 3/5 thông báo sẽ phát triển một chuỗi cung ứng khu vực để phối hợp mua các vật tư y tế thiết yếu phòng chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại họp báo trực tuyến chung, Thống đốc các bang New York, New Jersey, Connecticut, Pennsylvania, Rhode Island, Delaware và Massachusetts cho biết thay vì cạnh tranh với nhau, các bang này sẽ lập một hiệp hội để phối hợp mua thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), bộ xét nghiệm và máy trợ thở.
Hiệp hội này sẽ xác định nhu cầu của toàn khu vực, giảm giá thành và bình ổn chuỗi cung ứng.
Hiệp hội cũng sẽ nghiên cứu các tiềm năng công nghệ mới như công nghệ in 3D trong sản xuất PPE.
Tại họp báo, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng tranh giành thiết bị y tế trên toàn nước Mỹ, khi các bang, tổ chức tư nhân và chính phủ liên bang tranh giành nhau để đảm bảo nguồn cung, khiến các sản phẩm bị đội giá.
Về phần mình, Thống đốc bang Pennsylvania Tom Wolf cho rằng nỗ lực chung này sẽ khuyến khích các nhà sản xuất đáp ứng nhu cầu của các bang.
[Infographics] Những con số nổi bật về dịch COVID-19 trên thế giới
Khu vực Đông Bắc nước Mỹ chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, trong đó riêng New York đã ghi nhận hơn 310.000 ca nhiễm và hơn 24.000 ca tử vong.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, 7 bang nói trên có tổng số ca nhiễm hơn 606.000, chiếm khoảng 52% tổng số ca nhiễm ở Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/5 đã bày tỏ lạc quan Mỹ sẽ có vắcxin ngừa COVID-19 vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, giới chức y tế Mỹ nhấn mạnh kể cả khi các thử nghiệm ban đầu cho kết quả tốt, sẽ phải mất 18 tháng để có thể sẵn sàng đưa vắcxin vào sử dụng trên diện rộng.
Brazil có thể trở thành một tâm dịch mới của thế giới
Cùng ngày, Bộ Y tế Brazil thông báo trong 24 giờ qua nước này đã ghi nhận 4.588 ca nhiễm mới và 275 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lên lần lượt là 101.147 ca và 7.052 ca.
Brazil là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh.
Hệ thống bệnh viện, nhà tang lễ và nghĩa trang ở nước này bị quá tải trong khi các ca mắc hằng ngày tăng theo cấp số nhân.
Đại dịch "tấn công" Brazil đúng vào thời điểm chính phủ nước này đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua những chính sách “thắt lưng buộc bụng.”
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Brazil, Tổng thống nước này Jair Bolsonaro liên tục chỉ trích các biện pháp cách ly xã hội được các bang áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, trong đó có những bang đông dân như Sao Paulo và Rio de Janeiro.
Giới quan sát cảnh báo bất đồng giữa Tổng thống Bolsonaro và chính quyền các bang về ứng phó với COVID-19 khiến tình hình càng trở nên rối ren và có nguy cơ Brazil trở thành một tâm dịch mới của thế giới trong những tuần tới.
Chile áp dụng các biện pháp hạn chế mới
Tại Chile, chính phủ đã ra lệnh thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm ngặt mới tại 3 quận ở thủ đô Santiago sau khi số ca mắc COVID-19 tăng đột biến trong ngày 3/5.
Bộ Y tế Chile đã ghi nhận thêm 1.228 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên gần 20.000 ca, qua đó dập tắt những hy vọng rằng nước này đã qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Số ca tử vong do COVID-19 tại Chile đã tăng thêm 13 ca lên 260 ca. Bộ trưởng Y tế Jaime Manalich nhấn mạnh "nếu không chiến thắng dịch bệnh ở thủ đô Santiago, chúng ta có thể thua trong cuộc chiến chống COVID-19."
Theo lệnh mới, các quận Cerillos, Quilicura và Recoleta ở thủ đô Santiago, cùng với thành phố mỏ Antofagasta ở miền Bắc, sẽ bị cách ly từ ngày 5/5 tới.
Thủ đô Santiago với 7 triệu dân đã trở thành tâm dịch của Chile. Ban đầu, các ổ dịch chỉ tập trung tại 3 khu ngoại ô giàu có nhất, song virus đã bắt đầu lây lan sang những khu vực đông dân cư khác trong những tuần qua./.