Do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại các trang trại nuôi chồn hương ở Đan Mạch, ngày 7/11, Anh thông báo cấm nhập cảnh đối với tất cả du khách đến từ Đan Mạch.
Lệnh cấm nhập cảnh này có hiệu lực ngay lập tức.
Trước đó, ngày 5/11, Đan Mạch - quốc gia xuất khẩu lông chồn lớn nhất thế giới - công bố các quy định phong tỏa nghiêm ngặt mới ở miền Bắc nước này sau khi phát hiện loài chồn được nuôi tại vùng này mang biến thể của virus SARS-CoV-2.
Trong phản ứng ban đầu, Anh thông báo từ ngày 6/11, các du khách đến từ Đan Mạch sẽ phải tự cách ly 14 ngày theo luật định trước khi tuân thủ các biện pháp hạn chế hiện đang có hiệu lực tại Anh.
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận thêm thông tin từ giới chức y tế Đan Mạch, Anh đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với các du khách đến từ Đan Mạch, ngoại trừ các phương tiện vận tải và vận chuyển hàng hóa.
[Dịch COVID-19: Nhiều nước châu Âu ghi nhận thêm hàng chục nghìn ca mắc]
Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Giao thông vận tải Anh Grant Shapps nêu rõ: "Du khách từ Đan Mạch đến Vương quốc Anh sẽ không được phép nhập cảnh vào Vương quốc Anh."
Theo ông, quyết định nhanh chóng này được đưa ra sau khi giới chức y tế Đan Mạch thông báo dịch COVID-19 đang lan rộng trong các trang trại nuôi chồn.
Trong một tuyên bố riêng rẽ, Bộ Giao thông vận tải cho biết tất cả những người không phải công dân Anh hoặc những người tạm trú đã từng đến hoặc quá cảnh Đan Mạch trong 14 ngày qua sẽ bị từ chối nhập cảnh. Lệnh cấm này sẽ được xem xét lại sau một tuần.
Hôm 4/11, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo quyết định tiêu hủy khoảng 17 triệu con chồn ở nước này sau khi phát hiện loài vật này mang biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và đã lây lan sang người.
Hiện 2/3 thành viên trong Chính phủ Đan Mạch đang phải cách ly sau khi Bộ trưởng Tư pháp có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, một số loài động vật cũng đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và một số trại chăn nuôi chồn ở Hà Lan và Tây Ban Nha cũng đã báo cáo một số trường hợp mắc bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong một số trường hợp, những con chồn lây bệnh từ người đã truyền virus cho người khác, tức chồn là vật trung gian lây bệnh./.