Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, chính quyền bang New South Wales ngày 7/10 công bố một loạt quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 11/10 tới theo lộ trình nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng dịch COVID-19.
Động thái này được đưa ra một ngày sau khi New South Wales trở thành địa phương đầu tiên ở Australia đạt mốc tiêm chủng đầy đủ 70%.
Phát biểu họp báo, tân Thủ hiến bang Dominic Perrottet nêu rõ từ đầu tuần tới, các quán rượu, cửa hàng ăn uống, cửa hàng bán lẻ không thiết yếu sẽ được mở cửa trở lại với điều kiện phải bảo đảm các quy định về giãn cách xã hội và phải chịu trách nhiệm kiểm tra tình trạng tiêm chủng của khách.
Các quy định mới cũng sẽ nới lỏng hạn chế đối với người dân đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Theo đó, những người sống tại Sydney sẽ được đi lại tự do trong thành phố này và khi New South Wales đạt mốc tiêm chủng 80%, họ sẽ có thể di chuyển sang các vùng khác trong cùng bang.
Cũng theo quy định mới có hiệu lực từ 11/10 tới, mỗi hộ gia đình sẽ tiếp đón tối đa 10 người lớn. Trong khi đó, giới hạn số lượng người lớn được tập trung tại các không gian công cộng ngoài trời tăng từ 5 lên 30 người. Giới hạn số người tham dự các đám cưới và đám tang cũng được tăng lên 100 người.
Ngoài ra, từ ngày 18/10, học sinh mẫu giáo, lớp 1 và lớp 12 ở bang sẽ trở lại học trực tiếp. Tất cả học sinh ở các khu vực đang bị phong tỏa cũng sẽ trở lại học ở trường một tuần sau đó.
Chính quyền bang cho biết một loạt biện pháp an toàn phòng ngừa COVID sẽ được áp dụng tại các trường học, trong đó có quy định giáo viên phải đeo khẩu trang khi lên lớp.
Thủ hiến Perrottet nhấn mạnh, việc từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế nói trên là "hợp lý" trong bối cảnh bang New South Wales vẫn ghi nhận hàng trăm ca mắc mới COVID-19 mỗi ngày.
[Ngày thứ 7 liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở Campuchia giảm mạnh]
Trước đó, ngày 6/10, Australia đã đạt mốc tiêm chủng quan trọng, với 80% người dân từ 16 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19.
Hai địa phương khác ở nước này đang thực hiện lệnh phong tỏa là bang Victoria và thủ đô Canberra dự kiến cũng sẽ đạt mốc tiêm chủng đầy đủ 70% trong vài tuần tới để có thể bắt đầu nới lỏng các hạn chế phòng chống dịch tương tự như New South Wales.
Argentina và Brazil dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh đường hàng không
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, Cục Hàng không dân dụng quốc gia Argentina (Anac) ngày 6/10 thông báo chính phủ nước này đã quyết định dỡ bỏ tất cả các hạn chế nhập cảnh từ nước ngoài bằng đường hàng không kể từ ngày 19/10 tới, sau khi ghi nhận 50% dân số đã hoàn tất phác đồ tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Thông báo của Anac nêu rõ Chính phủ Argentina đã lên kế hoạch cho phép 4.000 hành khách nhập cảnh vào nước này mỗi ngày kể từ ngày 11/10.
Trước đó, cuối tháng Chín vừa qua, Chính phủ Argentina đã quyết định mở trở lại các cửa khẩu biên giới và cho phép người từ các nước có chung đường biên giới được nhập cảnh mà không phải thực hiện các biện pháp cách ly bắt buộc.
Cùng ngày, Chính phủ Brazil tuyên bố bãi bỏ việc tạm ngừng các chuyến bay từ Anh, Nam Phi và Ấn Độ đến nước này.
Tuy nhiên, Brazil vẫn duy trì quy định cấm người nước ngoài nhập cảnh bằng đường bộ, ngoại trừ thân nhân của người mang quốc tịch Brazil hoặc những trường hợp liên quan đến vấn đề nhân đạo.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh hơn 70% dân số Brazil đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và khoảng 45% đã tiêm phòng đầy đủ.
Việc hạn chế nhập cảnh bằng đường hàng không đối với du khách từ Anh tới Brazil được áp dụng kể từ cuối năm ngoái. Biện pháp tương tự đối với du khách đến từ Nam Phi được thực hiện vào tháng 1/2021 và với khách du lịch Ấn Độ từ tháng 5/2021.
Việc tạm ngừng các chuyến bay từ Anh, Nam Phi và Ấn Độ được áp dụng như một biện pháp hạn chế nguy cơ xâm nhập các biến thể của virus SARS-CoV-2, bao gồm Alpha, Beta và Delta.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp 3 biến thể này cùng với biến thể Gamma xuất hiện ở Brazil vào diện "đáng lo ngại" do khả năng lây lan mạnh hơn so với chủng gốc.
Với gần 21,5 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 600.000 trường hợp tử vong, Brazil là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh này trên thế giới./.