Dịch COVID-19: Các nước châu Âu có xu hướng nới lỏng biện pháp hạn chế

Ba Lan đã rút ngắn thời gian cách ly từ 10 xuống còn 7 ngày; Hà Lan chuẩn bị cho phép nhà hàng, quán bar và các rạp chiếu phim mở cửa trở lại, trong khi đó, Đức phản đối nới lỏng biện pháp hạn chế.
Dịch COVID-19: Các nước châu Âu có xu hướng nới lỏng biện pháp hạn chế ảnh 1Người dân mua sắm tại Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù châu Âu đang phải đối mặt với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, nhiều quốc gia trong khu vực đang có xu hướng nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Dù đề cập đến "hy vọng vào sự ổn định" trong năm nay, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 còn "lâu mới kết thúc" và vẫn còn quá sớm để nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Theo quan chức này, biến thể Omicron đang lan truyền với tốc độ "chưa từng có" và phần lớn những người cần được điều trị tích cực trong khu vực có khả năng là chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Bất chấp số ca mắc COVID-19 ngày càng tăng và tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU), Ba Lan đã rút ngắn thời gian cách ly từ 10 xuống còn 7 ngày.

Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski nhận định Ba Lan đang chuẩn bị đối mặt với làn sóng thứ 5 dịch COVID-19 do Omicron gây ra.

Tại Hà Lan, ngay cả khi các ca nhiễm COVID-19 mới đạt mức cao kỷ lục trong những ngày gần đây, Thủ tướng Mark Rutte và Bộ trưởng Y tế Ernst Kuipers dự kiến ngày 25/1 sẽ công bố các quy định mới, trong đó có cho phép nhà hàng, quán bar và các rạp chiếu phim mở cửa trở lại.

[Thế giới có hơn 2 triệu ca mắc và gần 6.000 ca tử vong trong 24h qua]

Theo nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng và khách sạn Hà Lan, việc hạn chế lĩnh vực này sẽ không đạt được mục tiêu ngăn chặn đại dịch mà sẽ khiến các nhà hàng và quán bar ngày càng khó duy trì.

Trong khi đó, các cố vấn chính phủ cho biết quán bar, nhà hàng và nhà hát có thể được phép mở cửa đến 22h đêm. Khách hàng sẽ phải xuất trình chứng nhận tiêm đủ liều vaccine cơ bản hoặc đã khỏi COVID-19, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính.

Công viên giải trí, sở thú và các trận đấu thể thao cũng dự kiến sẽ được phép mở cửa cho đông đảo khán giả.

Tại Croatia, một cuộc trưng cầu ý dân kêu gọi bãi bỏ chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 được tiến hành. Mục đích của cuộc trưng cầu này là nhằm xóa bỏ các chứng nhận tiêm chủng mang tính phân biệt đối xử, cũng như ngăn tình trạng công dân bị quấy rối và hệ thống chăm sóc y tế của đất nước bị quá tải.

Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế nước này Olivier Veran bày tỏ hy vọng làn sóng dịch COVID-19 hiện tại ở Pháp sẽ đạt đỉnh trong những ngày tới.

Trong 24 giờ qua, gần 400 bệnh nhân COVID-19 điều trị trong các bệnh viện tại Pháp đã tử vong. Thủ tướng Jean Castex thông báo rằng chính phủ sẽ nới lỏng một số hạn chế liên quan đến COVID-19 vào tháng Hai, nhưng chỉ đối với những người đã được tiêm đủ liều vaccine cơ bản.

Tại Serbia, tình hình dịch COVID-19 dường như đang dần lắng xuống trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng tăng. Nhà virus học Milanko Sekler cho rằng Serbia đã đi được "2/3 chặng đường" để kết thúc đại dịch, nhận định tình hình đang diễn biến theo chiều hướng tích cực dù số ca nhiễm cao.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên tiếng phản đối việc nới lỏng các biện pháp hạn chế để ngăn dịch lây lan, trong bối cảnh tỷ lệ mắc COVID-19 ở Đức tiếp tục gia tăng và đạt kỷ lục mới trong tuần này.

Theo ông Scholz, hiện chưa phải thời điểm thích hợp để nới lỏng các quy định phòng chống dịch nói chung.

Tại Italy, số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày đã giảm trong 6 ngày liên tiếp khi cơ quan y tế nước này tăng cường các biện pháp chống dịch trong những tuần gần đây nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.

Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza cho biết: "Như WHO cũng lưu ý, chúng ta đang tiến gần đến đỉnh dịch và sau đó sẽ phải điều chỉnh các quy tắc và mô hình để phù hợp với giai đoạn mới của đại dịch mà chúng ta đang đối mặt."

Tại Anh, Giáo sư Francois Balloux tại Viện Di truyền học thuộc Đại học College London nhận định làn sóng Omicron hiện đang giảm dần ở Anh, với số ca mắc giảm mạnh trong những ngày gần đây tỷ lệ thuận với các ca nhập viện.

Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh cần tránh nhanh chóng khôi phục các hành vi trước đại dịch, vốn có nguy cơ dẫn đến đợt bùng phát dịch nghiêm trọng với tỷ lệ lây nhiễm cao tại Anh.

Bosnia & Herzegovina, một trong những quốc gia nghèo nhất ở châu Âu, cũng đang phải vật lộn để giảm thiểu tác động của đại dịch đối với nền kinh tế, trong bối cảnh quốc gia này gần đây đã ghi nhận số ca mắc hàng ngày cao kỷ lục.

Gần 34,8 triệu USD đã được cấp phát để hỗ trợ 24.766 cửa hàng thủ công mỹ nghệ nhỏ và các doanh nghiệp độc lập khác để đảm bảo việc làm cho người lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục