Chúng ta chạm vào khuôn mặt mình vô số lần mỗi ngày từ dụi mắt, ngoáy mũi, lau miệng… hoặc chẳng cần một lý do nào cả, đơn giản chỉ là một thói quen.
Trong một nghiên cứu hồi năm 2008, 10 đối tượng được quan sát trong 3 giờ đã chạm vào mặt của mình trung bình 16 lần/1 giờ.
Một nghiên cứu tương tự khác hồi năm 2015 với 26 sinh viên tại trường Y khoa của Australia đã cho ra con số đáng kể hơn lên đến 23 lần/1 giờ. Ngay cả các chuyên gia y tế, những người biết rõ về lợi hại của thói quen này vẫn chạm vào mặt họ trung bình 19 lần/2 giờ.
Và để giảm thiểu rủi ro nhiễm dịch COVID-19 cao nhất có thể, chúng ta đã được khuyên rằng nên rửa tay thường xuyên thế nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Sau đây là một số lời khuyên để nhắc nhở bản thân cần xa rời hoặc chí ít là hạn chế thói quen này.
1. Tìm hiểu lý do dẫn đến thói quen chạm tay vào mặt
Bước đầu tiên để phá vỡ và thay đổi thói quen là phát triển sự nhận thức mạnh mẽ về thời điểm, tình huống cụ thể và lý do thực hiện hành vi này. Hãy theo dõi và ghi chú lại tất cả nguyên nhân dẫn đến việc hình thành thói quen. Đó có thể là những sự bộc phát trong vô thức như khi nói chuyện điện thoại, chăm chú xem tin tức trên máy tính.
Và trong một vài trường hợp, nó xuất phát từ các cảm xúc tiềm ẩn bao gồm trạng thái tinh thần căng thẳng, lo lắng, bất an,… thì bạn cần xem lại mình đã chăm sóc bản thân đủ tốt hay chưa như chất lượng giấc ngủ, việc rèn luyện sức khỏe, chế độ ăn uống, thời gian nghỉ ngơi.
2. Chọn một hành động thay thế khác
Tiếp theo, hãy nghĩ đến một nơi khác có thể chạm vào mà không làm tăng nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn. Đừng chỉ phớt lờ sự thôi thúc “chạm tay lên mặt” hay cố gắng đấu tranh tinh thần vì nó cũng chẳng thay đổi được điều gì.
[Những loại thực phẩm giúp tăng sức đề kháng cơ thể thời dịch COVID-19]
Thay vào đó, bạn có thể chọn một nơi khác có thể chạm vào mà không làm tăng nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn như cánh tay, khuỷu tay, đầu gối, cổ,… chẳng hạn. Việc đảo ngược thói quen về lâu dài sẽ làm tiềm thức của bạn thay đổi, tránh xa hành vi ban đầu.
3. Đeo khẩu trang
Giờ đây, hành động luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ bản thân khỏi sự lây nhiễm của virus SAR-CoV-2, mà còn giúp ngăn lại thói quen chạm tay lên mặt.
Nếu để ý bạn sẽ thấy mỗi khi đeo khẩu trang, chúng ta sẽ hạn chế làm cho khẩu trang xê dịch nhiều nhất có thể, và vì thế mà tần suất chạm tay lên mặt cũng giảm đi rất nhiều.
4. Mua một chiếc nhẫn mới (hoặc bất kỳ một món trang sức nào để đeo lên tay)
Sự xuất hiện của một món trang sức mới sẽ thu hút sự chú ý của bạn nhiều hơn, nhất là khi bạn gắn vào món đồ ấy một lời nhắc nhở, sự cảnh báo nào đó. Chỉ cần một khoảng dừng ngắn đã đủ giúp bạn nhận thức rõ hơn về những gì bạn đang làm với đôi tay của mình.
5. Giữ cho đôi tay bận rộn
Trên thực tế, nếu đôi tay quá rãnh rỗi thì chưa đến vài phút, chúng ta lại chạm lên mặt của mình để “giải khuây." Nếu bạn đang xem tivi, hãy tranh thủ làm thêm việc khác như xếp đồ, quét nhà, dọn phòng,… Bạn cũng có thể dùng khoản thời gian nghỉ ngơi ở nhà để đọc thêm nhiều quyển sách sức khỏe hoặc sách đem đến nguồn năng lượng tích cực cho cuộc sống. Đôi tay vừa bận rộn và tâm trí cũng được thư giãn.
Nếu bạn đang ở trong phòng họp hoặc lớp học, hãy đan hai tay vào nhau hoặc đặt chúng lên bàn. Quan trọng hơn hết, hãy luôn có một hộp khăn giấy trong nhà hoặc tại bàn làm việc để sử dụng khi cần ho, hắt hơi và chạm tay lên mặt.
6. Ghi lại những tờ note để tăng ý thức tự giác
Trong guồng xoay không ngừng của cuộc sống và công việc, chúng ta có đôi lúc quên đi những lời khuyến cáo mà mình vẫn hay đọc mỗi ngày trên báo đài là chuyện hết sức bình thường. Để khắc phục tình trạng “sáng nhớ chiều quên” này, mỗi người hãy viết những tờ ghi chú tự nhắc nhở, khích lệ bản thân và dán chúng tại bàn làm việc và xung quanh nhà./.