Trong bối cảnh chiến dịch tiêm vắcxin phòng COVID-19 đang được triển khai trên toàn Canada và các khu vực khác trên thế giới, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết chính phủ của ông không có kế hoạch áp dụng “hộ chiếu vắcxin” chứng thực một người đã được tiêm phòng, ở cấp liên bang đối với người dân người Canada.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, nhà lãnh đạo Canada cho rằng việc chuẩn hóa một biện pháp như vậy có thể có “tác động gây chia rẽ thực sự” đối với Canada và các cộng đồng dân cư.
Ông nêu rõ: “Tôi nghĩ đó là một ý tưởng thú vị nhưng cũng đầy thách thức - chúng tôi đang khuyến khích và thúc đẩy mọi người tiêm vắcxin càng nhanh càng tốt, nhưng chúng tôi luôn biết rằng có những người sẽ không tiêm phòng. Có những lý do về y tế, có rất nhiều lý do khiến một người không tiêm phòng và tôi lo lắng về việc tạo ra những tác động không mong muốn trong cộng đồng của chúng tôi.”
Thủ tướng cũng nói thêm rằng việc có đủ người dân Canada nhiệt tình hưởng ứng tiêm chủng sẽ giúp nước này không cần phải thực hiện các biện pháp khắc nghiệt hơn như thực hiện cấp "hộ chiếu vắcxin."
Ý tưởng về "hộ chiếu vắcxin" hay hộ chiếu tiêm chủng đã được một số doanh nghiệp, trong đó có Microsoft, Salesforce, Oracle,… và quốc gia trên thế giới đề cập đến. Israel gần đây cũng đã công bố “hộ chiếu xanh”, cho phép những người đã tiêm chủng có thể ăn trong nhà hàng, tham dự các sự kiện công cộng và đi lại tự do.
Tuần trước, Đan Mạch thông báo đang phát triển “hộ chiếu vắcxin” kỹ thuật số cho những người đã tiêm vắcxin, trong khi đề xuất về cấp "thẻ vắcxin" cho phép đi lại tự do trên khắp Liên minh châu Âu đang được Thủ tướng Hy Lạp thúc đẩy.
[Tình hình nghiên cứu và áp dụng vắcxin COVID-19 trên thế giới]
Hiện nay, một số tỉnh tại Canada vẫn chưa loại trừ khả năng cấp một loại giấy thông hành như vậy, khi Bộ trưởng Y tế Ontario thông báo kế hoạch cấp giấy chứng nhận có thể cho phép người Canada đã tiêm chủng đi du lịch, làm việc và ở trong không gian tiếp xúc gần.
Theo thống kê trên trang web của Chính phủ Canada, số ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia Bắc Mỹ này đã lên đến 688.891 ca, trong đó 17.538 người đã tử vong.
Mạng xã hội Twitter đã hạn chế quyền truy cập vào tài khoản chính thức quảng cáo vắcxin ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga.
Thông báo ngày 14/1 trên mạng xã hội Twitter viết: “Chú ý: Tài khoản này tạm thời bị hạn chế... vì đã có một số hoạt động bất thường”, mặc dù vẫn cho phép người dùng truy cập trang.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, phản ứng trước thông tin trên, Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) - cơ quan quản lý tài khoản và tiếp thị Sputnik V ở nước ngoài tuyên bố đang xem xét các lý do dẫn tới tình trạng này, đồng thời đề nghị Twitter khôi phục quyền truy cập.
Phía Nga khẳng dịnh vắcxin Sputnik V của Nga có hiệu quả tới 92% trong việc bảo vệ con người khỏi lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. RDIF cho biết đã nhận được các đơn đặt hàng hơn 1,2 tỷ liều vắcxin Sputnik V của hơn 50 quốc gia, trong đó có Hàn Quốc, Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc. Theo tổ chức này, 500 triệu liều vắcxin này có thể được sản xuất bên ngoài Nga theo hợp đồng với các đối tác quốc tế.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế hiện vẫn khá do dự trong việc sử dụng Sputnik V, vì cho rằng loại vắcxin này được sản xuất và đưa ra thị trường mà chưa trải qua đủ quy trình thử nghiệm nghiêm ngặt./.