Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 27/8 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 24.322.325 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 828.876 ca tử vong. Số ca bình phục là 16.849.335 ca.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 trên thế giới, với 5.999.575 ca mắc và 183.639 ca tử vong.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) mới đây đã khuyến nghị những người phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 nhưng không phát triệu chứng có thể không cần thực hiện xét nghiệm.
[Pháp cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 2, số ca nhiễm tại Mỹ giảm]
Quyết định này của CDC vấp phải sự phản đối của nhiều quan chức và chuyên gia y tế Mỹ.
Sau Mỹ là Brazil với 3.722.004 ca mắc COVID-19 và 117.756 ca tử vong.
Theo số liệu của Bộ Y tế Brazil công bố ngày 26/8, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 47.161 ca mắc COVID-19 và 1.086 ca tử vong.
Tiếp đến là Ấn Độ với 3.307.749 ca mắc và 60.629 ca tử vong, tiếp đến là Nga với 970.865 ca mắc và 16.683 ca tử vong, Nam Phi với 615.701 ca mắc và 13.502 ca tử vong.
Mỹ Latinh vẫn là tâm điểm của dịch COVID-19
Khu vực Mỹ Latinh đã trở thành tâm điểm của dịch COVID-19 trên thế giới, với số ca mắc và tử vong cao nhất.
Đáng chú ý, số liệu của Bộ Y tế Argentina công bố ngày 26/8 cho thấy số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ ở nước này đã lần đầu tiên trên mức 10.000 ca, cụ thể là 10.550 ca, nâng tổng số ca bệnh lên 370.188 ca.
Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 ở Argentina hiện là 7.839 ca, tăng 276 ca.
Trước tình hình này, Chính phủ của Tổng thống Alberto Fernandez đã buộc phải gia hạn các biện pháp phong tỏa ở thủ đô Buenos Aires - địa phương có số ca mắc COVID-19 cao nhất cả nước, đến cuối tháng Tám.
COVID-19 tiếp tục nóng lên ở châu Âu, đặc biệt ở Pháp.
Ngày 27/8, giới chức y tế Pháp cho biết trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 5.429 ca mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng Năm.
Số ca mắc COVID-19 trong ngày ở Pháp đã liên tục vượt ngưỡng 4.000 ca trong những ngày gần đây, trước thời điểm 1/9 khi hàng triệu học sinh chuẩn bị đi học trở lại.
Hiện Pháp ghi nhận 253.587 ca mắc COVID-19, trong đó có 30.544 ca tử vong.
Do số ca mắc COVID-19 ở Na Uy và Đức tăng mạnh trong thời gian gần đây, Chính phủ Na Uy đã yêu cầu cách ly 10 ngày đối với du khách từ Đức và Liechtenstein.
Theo Viện Y tế công Na Uy (FHI), cho tới ngày 23/8, số ca mắc mới tại Na Uy và Đức đã đạt tỷ lệ 20 ca/100.000 dân và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết yêu cầu cách ly bắt buộc sẽ có hiệu lực từ ngày 29/8 tới, song quy định này không đồng nghĩa với lệnh cấm nhập cảnh Na Uy.
Ngoài hai quốc gia trên, Na Uy cũng bổ sung hai khu vực ở Thụy Điển vào danh sách yêu cầu du khách cách ly khi tới nước này.
Nga chuẩn bị cấp phép cho vắcxin ngừa COVID-19 thứ hai
Liên quan tới cuộc chiến chống dịch COVID-19, ngày 26/8, Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova tuyên bố Nga đang chuẩn bị cấp phép cho vắcxin ngừa COVID-19 thứ hai vào cuối tháng Chín hoặc đầu tháng 10 tới.
Tại một cuộc họp chính phủ được phát sóng trên truyền hình, bà Golikova đã báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin rằng những cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu của loại vắcxin COVID-19 thứ hai, do Viện nghiên cứu virus học Vector ở Siberia phát triển, sẽ được hoàn tất vào cuối tháng Chín.
Phó Thủ tướng Nga khẳng định: “Tính đến hôm nay, chưa có bất cứ biến chứng nào xảy ra đối với những người được tiêm loại vaccine này trong các giai đoạn thử nghiệm thứ nhất và thứ hai.”
Peru lựa chọn tình nguyện viên thử nghiệm vắcxin
Trong khi đó, Peru bắt đầu quá trình đăng ký để lựa chọn 6.000 tình nguyện viên thử nghiệm vắcxin do Trung Quốc nghiên cứu và phát triển.
Theo thông báo chính thức, tiến trình đăng ký do hai trường đại học Cayetano Heredia và San Marcos, các trung tâm hỗ trợ quá trình nghiên cứu của Trung Quốc tại Peru, thực hiện và mỗi trường sẽ được phép lựa chọn 3.000 tình nguyện viên trong độ tuổi 18-75.
Theo các chuyên gia Peru phụ trách thử nghiệm lâm sàng, hai chủng virus và một giả dược sẽ được cấy ngẫu nhiên vào tình nguyện viên.
Các tình nguyện viên sẽ được chia thành 3 nhóm, trong đó một nhóm sẽ được tiêm virus chủng Vũ Hán, một nhóm được tiêm chủng Bắc Kinh và nhóm còn lại sẽ được tiêm giả dược.
Dự kiến, quá trình thử nghiệm lâm sàng tại Peru sẽ kết thúc vào tháng 12 tới.
Mỹ và Anh đàm phán thiết lập "cầu hàng không"
Chính phủ Mỹ và Anh đang đàm phán việc thiết lập một “cầu hàng không” giữa thành phố London và New York, cho phép khách du lịch không phải thực hiện cách ly khi đi lại giữa hai thành phố này.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trang mạng Telegraph ngày 26/8 đưa tin, các bộ trưởng Mỹ và Anh đang nghiên cứu kế hoạch mở các cầu hàng không trong khu vực.
Kế hoạch này nhằm giúp các doanh nghiệp cũng như khách du lịch ở những khu vực có nguy cơ thấp như thành phố New York tới Anh, trong khi nhiều nơi khác vẫn trong tình trạng báo động đỏ vì tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục tăng cao.
Canada dành 1,5 tỷ USD hỗ trợ các trường mở cửa trở lại
Trong khi đó, tại Canada, chính phủ nước này có kế hoạch dành 1,5 tỷ USD để hỗ trợ các trường học mở cửa trở lại trong đại dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, phát biểu ngày 26/8, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết chính phủ sẽ tài trợ thêm 2 tỷ CAD (1,5 tỷ USD) hỗ trợ các tỉnh bang/vùng lãnh thổ mở lại các trường học một cách an toàn.
Theo Thủ tướng Trudeau, chính quyền các tỉnh bang và các trường có thể sử dụng linh hoạt khoản tài trợ của chính phủ phục vụ nhu cầu của mình, như mở thêm không gian học tập mới, nâng cấp hệ thống thông gió, trang bị thiết bị bảo hộ cá nhân...
Tỉnh Ontario sẽ nhận được hơn 760 triệu CAD để mở cửa trường học một cách an toàn trong năm nay, trong bối cảnh tỉnh này đang phải đối mặt với sức ép giảm sỹ số học sinh trong lớp.
Trước đó, Chính phủ Canada đã công bố kế hoạch hỗ trợ các tỉnh bang/vùng lãnh thổ hơn 19 tỷ CAD để khởi động lại nền kinh tế một cách an toàn.
Berlin cấm biểu tình phản đối biện pháp kiềm chế dịch
Chính quyền thành phố Berlin của Đức ngày 26/8 đã quyết định cấm cuộc biểu tình theo kế hoạch diễn ra vào cuối tuần này, với hàng nghìn người dự định xuống đường để phản đối các biện pháp kiềm chế dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Bộ Nội vụ bang Berlin thông báo lệnh cấm được đưa ra do những lo ngại người biểu tình vi phạm quy định chống lây nhiễm.
Các cuộc biểu tình vào ngày 1/8 vừa qua ở Berlin cho thấy người biểu tình đã phớt lờ các quy định vệ sinh dịch tễ hiện hành cũng như các quy tắc liên quan, như không đeo khẩu trang và không giữ khoảng cách tối thiểu.
Theo kế hoạch, những người biểu tình phản đối các hạn chế được áp đặt do dịch COVID-19 đã lên kế hoạch tuần hành qua quận Mitte ở Berlin vào trưa 29/8 và sau đó tụ hội trên Phố 17/6 vào chiều cùng ngày.
Cảnh sát thông báo dự kiến có khoảng 17.000 người tham gia biểu tình, trong khi cũng có một số cuộc biểu tình đã đăng ký để chống lại các cuộc tuần hành này.
Bộ trưởng Nội vụ Berlin Andreas Geisel kêu gọi người dân tránh xa các hoạt động biểu tình như vậy, đồng thời cảnh báo lực lượng an ninh sẽ can thiệp nếu vẫn diễn ra biểu tình./.