Dịch COVID-19: EU chính thức cấp phép lưu hành vắcxin của Moderna

Ngày 6/1, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức cấp phép lưu hành vắcxin ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Moderna Inc của Mỹ bào chế và phát triển.
Vắcxin ngừa COVID-19 của Hãng dược phẩm Moderna Inc của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vắcxin ngừa COVID-19 của Hãng dược phẩm Moderna Inc của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 6/1, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức cấp phép lưu hành vắcxin ngừa COVID-19 do hãng dược phẩm Moderna Inc của Mỹ bào chế và phát triển.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết như vậy sau vài giờ Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) thông qua khuyến nghị về việc cấp phép lưu hành vắcxin này.

Trong một tuyên bố sau khi EMA "bật đèn xanh" cho vắcxin của Moderna, Giám đốc điều hành EMA Emer Cooke cho biết việc cấp phép cho vắcxin của Moderna là “có thêm công cụ để vượt qua tình huống khẩn cấp hiện nay.”

Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen gọi đây là tin tốt lành đối với nỗ lực có thêm vắcxin cho người dân châu Âu.

Như vậy, vắcxin của Moderna đã trở thành loại vắcxin ngừa COVID-19 thứ hai được EMA khuyến nghị cấp phép lưu hành, sau vắcxin Pfizer/BioNTech nhận được sự ủng hộ của cơ quan này hôm 21/12/2020.

EU hiện đã đảm bảo được 200 triệu liều vắcxin và được phép mua thêm 100 triệu liều của Pfizer/BioNTech.

EU cũng đang đàm phán để mua thêm 50-100 triệu liều vắcxin nữa. Các nước thành viên EU có thể sử dụng vắcxin khác với khuyến nghị của EMA, song điều này có thể đối mặt với rủi ro.

Liên quan đến việc EU căng thẳng về tình trạng chậm nguồn cung vắcxin, phóng viên TTXVN tại Brussels cho biết những trắc trở trong việc chậm triển khai vắcxin ngừa COVID-19 đã gây ra căng thẳng trong Liên minh châu Âu (EU), làm gợi lại những bất đồng nội khối khi bắt đầu đại dịch trong vấn đề chia sẻ thiết bị bảo hộ y tế và đóng cửa biên giới.

[Giới chức châu Âu nhóm họp về việc cấp phép vắcxin của Moderna]

Việc Đức tự đặt riêng vắcxin của Pfizer/BioNTech đã làm dấy lên những lo ngại có thể cắt giảm các nguồn cung để phân phối trong toàn khối, và một cuộc tranh cãi đã nổ ra về các hợp đồng được dành cho vắcxin Pháp và Đức.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết ông sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến trước cuối tháng 1 để thảo luận về thách thức to lớn trong chiến dịch tiêm chủng mà họ đang phải đối mặt.

Ủy ban châu Âu (EC) đã ký 6 hợp đồng với các nhà sản xuất vắcxin để mua gần 2 tỷ liều nhằm phân phối cho các quốc gia thành viên theo tỷ lệ dân số.

EC đã bảo vệ chiến lược của mình với lập luận rằng điều quan trọng là không nên "bỏ tất cả trứng vào một giỏ" khi nhiều loại vắcxin vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Ngày 6/1, phát ngôn viên của EC cho biết chiến dịch tiêm chủng là một hoạt động rất phức tạp, và đây chính là lý do tại sao EC đã rất kiên quyết trong việc ký hợp đồng với các công ty khác nhau.

Chính phủ Đức đang phải đối mặt với những lời chỉ trích ở trong nước vì không đảm bảo nguồn cung cấp lớn hơn cho vắcxin do BioNTech của Đức và công ty Pfizer của Mỹ phát triển.

Tuy nhiên, vào tháng 9/2020, Đức đã đạt được một thỏa thuận song phương - tách biệt với các hợp đồng của EU - mua bổ sung 30 triệu liều vắcxin.

Ủy ban châu Âu cho biết các nước EU đã cam kết không tiến hành các cuộc đàm phán song song với các nhà sản xuất vắcxin, nhưng từ chối bình luận về việc liệu Đức có thỏa thuận riêng với BioNTech hay không.

Dịch COVID-19: EU chính thức cấp phép lưu hành vắcxin của Moderna ảnh 1Vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Mặt khác, nghị sỹ của Đức Karl Lauterbach, một nhà dịch tễ học, đã cáo buộc Pháp đang cố gắng tác động đến các hợp đồng của EU để ủng hộ một loại vắcxin do Pháp phát triển.

Căng thẳng về chiến dịch tiêm chủng xảy ra khi tình trạng các ca mắc bệnh COVID-19 gia tăng nhanh chóng tại nhiều quốc gia thành viên.

EU đã thể hiện sự đoàn kết chưa từng có khi đối mặt với đại dịch, đã nhất trí về một chương trình vay vốn chung khổng lồ để thúc đẩy phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, các nước đã lúng túng không thống nhất khi đại dịch bắt đầu với việc tích trữ thiết bị y tế và đơn phương đóng cửa biên giới.

Phóng viên TTXVN tại Brussels cũng cho biết trong một lá thư chung gửi cho Ủy ban châu Âu ngày 6/1, ngoại trưởng của 13 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi khối này gửi vắcxin ngừa COVID-19 cho các nước láng giềng Balkan và cần nỗ lực hơn nữa để giúp Ukraine chống lại đại dịch.

Ngoại trưởng các nước Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Romania, Slovakia và Thụy Điển cho biết EU sẽ không an toàn trước COVID-19 cho đến khi các quốc gia láng giềng cũng có thể phục hồi sau đại dịch.

Trong thư, ngoại trưởng các nước bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực và sáng kiến của các nước thành viên cùng Ủy ban châu Âu trong việc chia sẻ vắcxin với các nước láng giềng gần nhất của khối như các nước Tây Balkan.

Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nhấn mạnh nhiệm vụ của EU là mở rộng vòng tay giúp đỡ các đối tác ở phía Đông, Tây Balkan và các khu vực khác.

Trong một cuộc họp báo thường kỳ, Ủy ban châu Âu cho biết đã nhận được bức thư và sẽ trả lời các chúng, đồng thời cho biết họ đang tìm cách để giúp các nước Balkan cùng các nước láng giềng khác, trong đó có Gruzia và Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục