Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp trong ngày 10/5, với số ca mắc bệnh hiện đã ở mức 4.132.430 ca, trong đó có 281.064 ca tử vong. Số ca phục hồi đang là 1.455.182 ca.
Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 21 giờ 30 ngày 10/5 (theo giờ Việt Nam), Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới với 1.349.599 ca nhiễm và 80.101 ca tử vong.
Xếp sau Mỹ về số ca nhiễm là Tây Ban Nha với 264.663 ca, Italy 218.268 ca và Anh 215.260 ca.
Tuy nhiên, Anh đã vượt Italy và Tây Ban Nha trở thành quốc gia ghi nhận số ca tử vong cao nhất ở châu Âu và cao thứ 2 thế giới sau Mỹ, với 31.587 ca.
Số ca tử vong ở Italy và Tây Ban Nha đang lần lượt ở mức 30.395 ca và 26.621 ca.
Một tin vui đối với Tây Ban Nha trong ngày 10/5 là nước này tiếp tục ghi nhận số ca tử vong trong ngày giảm.
Theo số liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 143 ca tử vong, giảm so với 179 ca của ngày trước đó và là mức thấp nhất kể từ giữa tháng Ba vừa qua.
Trong khi đó, tại Nga, số ca nhiễm tiếp tục tăng cao.
Tính tới trưa 10/5, Nga đã ghi nhận thêm 11.012 ca nhiễm mới tại 83 chủ thể liên bang, đưa tổng số ca lên 209.688 người.
Moskva vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm mới nhất với 5.551 ca, đưa tổng số ca tại thủ đô của nước Nga lên 109.740 ca.
Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 88 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 1.915 người.
Tại Trung Quốc, dịch COVID-19 vẫn là một mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 10/5 xác nhận 14 ca nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục, trong đó đáng lo ngại là 12 ca lây nhiễm trong nước gồm 11 ca ở thành phố Thư Lan thuộc tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc nước này và 1 ca tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc.
Đây là ca nhiễm đầu tiên ở Vũ Hán, tâm đại dịch COVID-19 trước đây, trong vòng hơn 1 tháng qua. 14 ca nhiễm mới trong ngày cũng là mức cao nhất ở Trung Quốc đại lục kể từ ngày 28/4.
Tỉnh Cát Lâm đã nâng cảnh báo dịch bệnh ở thành phố Thư Lan từ mức trung bình lên mức cao.
[Dịch COVID-19 ở Đông Nam Á: Singapore phát hiện gần 900 ca mắc mới]
Tại khu vực Đông Nam Á, số ca nhiễm cũng chưa có dấu hiệu đi xuống. Trong 24 giờ qua, Malaysia ghi nhận thêm 67 ca mới, đưa tổng số ca lên 6.656 người, trong đó có 108 ca tử vong.
Trước tình hình này, Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại và kinh doanh thêm 4 tuần đến ngày 9/6.
Tại Singapore trong 24 giờ qua cũng phát hiện thêm 876 ca mới, nâng tổng số ca lên 23.336 ca. Đa số các ca nhiễm mới là người lao động nhập cư sống tập trung trong các khu nhà tập thể.
Bộ Y tế Philippines cũng xác nhận thêm 184 ca mới, đưa tổng số ca ở nước này lên 10.794 ca. Cũng trong 24 giờ qua, Philippines có thêm 15 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 719 ca.
Tại một quốc gia Đông Nam Á khác là Indonesia, ngày 10/5 chính phủ nước này thông báo 387 ca mới, nâng tổng số ca lên 14.032 ca. Indonesia cũng ghi nhận thêm 14 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 973 ca.
Cùng ngày, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến trở lại sau khi xuất hiện ổ lây nhiễm mới ở Itaewon. Với 34 ca mới được phát hiện, số ca nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng lên thành 10.874 ca. Số ca tử vong vẫn là 256 ca.
Trước nguy cơ bùng phát ổ dịch mới ở thủ đô Seoul, ngày 9/5, Thị trưởng thành phố này Park Won-soon đã ban hành mệnh lệnh hành chính yêu cầu các quán bar, vũ trường, hộp đêm trên toàn thành phố phải tạm thời dừng mọi hoạt động.
Trong khi đó, Nhật Bản đang xem xét dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại một số địa phương trước ngày 31/5, thời điểm lệnh tình trạng khẩn cấp hết hiệu lực. Tính đến nay, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 15.663 ca nhiễm và 607 ca tử vong.
Các bang và vùng lãnh thổ ở Australia cũng đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội và kinh doanh sau khi nội các nước này ngày 8/5 công bố kế hoạch nới lỏng theo lộ trình 3 giai đoạn và đặt mục tiêu sẽ thực hiện đầy đủ kế hoạch này vào tháng Bảy.
Tính đến thời điểm hiện tại, Australia xác nhận tổng cộng 6.941 ca nhiễm và 97 ca tử vong.
Theo một thống kê khác của hãng tin AFP, tính đến tối 10/5, khu vực Mỹ Latinh và Caribe có 359.010 ca nhiễm, trong đó có 19.743 ca tử vong. Khu vực Trung Đông có 219.755 ca nhiễm và 7.554 ca tử vong, trong khi châu Phi có 59.927 ca nhiễm và 2.184 ca tử vong./.