Theo thống kế của hãng tin AFP (Pháp), tính đến 16 giờ 10 ngày 7/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca tử vong vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Âu đã vượt mốc 150.000 người, hầu hết ở Anh, Italy, Tây Ban Nha và Pháp.
Theo hãng tin của Pháp, với tổng cộng 150.138 ca tử vong vì dịch bệnh trên tổng số 1.640.799 ca mắc, châu Âu hiện là châu lục chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh vốn đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 263.573 người trên toàn thế giới.
Anh đứng đầu châu Âu về số ca tử vong cới 30.076 ca, tiếp đến lần lượt là Italy với 29.684 ca, Tây Ban Nha với 26.070 ca và Pháp với 25.809 ca.
[Chuyên gia Mỹ lý giải nguyên nhân châu Á ứng phó tốt hơn với COVID-19]
Trong một diễn biến tích cực, Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 7/5 thông báo số ca tử vong do COVID-19 trong ngày tại nước này tiếp tục giảm sau khi ghi nhận 213 trường hợp, giảm hơn 30 ca so với mức 244 ca được ghi nhận một ngày trước đó.
Tính tới ngày 7/5, Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 221.447 ca mắc COVID-19, tăng từ mức 220.325 người một ngày trước đó.
Điểm nóng dịch bệnh tại châu Âu hiện nay là Nga. Ngày 7/5, sau ghi thông báo cố ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước tới nay là 11.231 ca, quốc gia này chính thức vượt Đức và Pháp về tổng số ca nhiễm và là quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao thứ 5 thế giới với 177.160 ca.
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 7/5, phát biểu trong chương trình thời sự trực tiếp của kênh truyền hình Russia 24, Thị trưởng Moskva Sergey Sobyanin cho rằng số ca nhiễm COVID-19 thực tế của thủ đô Nga có thể đạt 2-2,5% dân số thành phố, tức là tương đương khoảng 300.000 trường hợp.
Hiện thủ đô Moskva là tâm dịch của Nga với 92.676 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, nổi lên tại châu Âu trong thời gian qua với những biện pháp phòng chống dịch tích cực và hiệu quả cùng hệ thống y tế vững chắc trước đại dịch, Đức đang thận trọng mở cửa trở lại nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong ngày 7/5, Phó Chủ tịch Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Robert Koch (RKI) của Đức, ông Lars Schaade cảnh báo nước này có thể đối mặt với một đợt tái bùng phát dịch bệnh trước mùa Thu (khoảng từ tháng 9 đến tháng 11).
Nguy cơ này có thành hiện thực hay không phụ thuộc vào hành vi của người dân.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Chủ tịch RKI cho biết số ca nhiễm mới đang giảm nhưng không phải dấu hiệu báo hết nguy hiểm đồng thời cảnh báo cuộc khủng hoảng dịch bệnh sẽ còn kéo dài nhiều tháng nữa.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng Thủ tướng Đức Angela Merkel, Helge Braun nhận định dù đang dần mở cửa trở lại nền kinh tế nhưng nước Đức hiện vẫn chưa thoát khỏi đại dịch mà đang trong giai đoạn giữa của đại dịch.
Trong một nỗ lực duy trì các kế hoạch quan trọng khi dịch bệnh hoành hành và chưa rõ khi nào sẽ kết thúc, Hạ viện Ba Lan ngày 7/5 thông qua dự luật do chính phủ nước này đề xuất, qua đó cho phép cuộc bầu cử tổng thống được thực hiện bằng cách bỏ phiếu qua đường bưu điện.
Cuộc bầu cử tổng thống Ba Lan theo kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 10/5 tới./.