Ngày 11/11, Quốc hội Đức đã thảo luận về các quy định mới nhằm đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ tư COVID-19 mà không phải áp đặt lệnh phong tỏa hay bắt buộc mọi người dân phải tiêm phòng.
Ba đảng tham gia đàm phán để thành lập chính phủ mới của Đức đã nhất trí cho phép tình trạng khẩn cấp, vốn được áp đặt kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hết hiệu lực vào ngày 25/11, bất chấp số ca mắc mới tăng vọt khi thời tiết trở lạnh hơn.
Một số chính trị gia Đức coi tình trạng khẩn cấp không còn cần thiết trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh và nhu cầu bước vào giai đoạn bình thường mới tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Thay vào đó, liên minh ba bên đã đề xuất dự luật cho phép thực thi và siết chặt các biện pháp phòng dịch hiện hành, như bắt buộc đeo khẩu ở các không gian công cộng trong nhà. Các đảng này cũng muốn mở lại các trung tâm tiêm chủng và khôi phục việc xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2.
[Đức và Hà Lan cân nhắc siết chặt biện pháp phòng dịch COVID-19]
Ông Olaf Scholz, người dự kiến sẽ được bầu làm Thủ tướng Đức vào đầu tháng 12 tới, cho biết chính phủ liên bang và thủ hiến của 16 bang của Đức sẽ gặp nhau vào tuần tới để thảo luận về các biện pháp tiếp theo nhằm đối phó với đại dịch.
Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ các biện pháp như yêu cầu các nơi làm việc kiểm tra việc tiêm vaccine ngừa COVID-19, quá trình phục hồi sức khỏe cũng như kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của các nhân viên.
Trong ngày 11/11, Viện Robert Koch của Đức thông báo nước này ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục - 50.196 ca./.