Dịch COVID-19: Rác thải được xử lý khép kín, an toàn 'từ gốc tới ngọn'

Công tác thu gom rác thải y tế tại các ổ dịch, khu vực cách ly đang được các đơn vị vệ sinh môi trường xử lý theo đúng quy trình của Bộ Y tế, đảm bảo không để nguồn lây nhiễm chéo dịch cho cộng đồng.
Công tác phun xịt khử khuẩn các thùng chứa chất thải đảm bảo được làm thường xuyên và liên tục. (Ảnh: VH/Vietnam+)

Theo sát diễn biến của dịch COVID-19, suốt nhiều ngày qua, cả nước đang dồn sức, đồng lòng thực hiện hiệu quả các giải pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.

Thực tế cho thấy bên cạnh việc chia sẻ “liều thuốc đắng” có tên giãn cách xã hội để hạn chế nguy cơ phơi nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho khu vực bị cách ly, thì việc thu gom, xử lý rác thải cũng luôn được thực hiện nghiêm theo “vòng tròn khép kín” để đảm bảo an toàn ngay từ các ổ dịch, khu vực cách ly.

Dồn lực thu gom, xử lý triệt để

Sau hơn 3 tháng xuất hiện dịch COVID-19, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Việt Nam đã lên tới hơn 240. Sự gia tăng về số lượng bệnh nhân và số người phải cách ly cũng đồng nghĩa với việc gia tăng lượng rác thải y tế, nhất là rác nguy hại.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, công tác thu gom rác thải y tế tại các ổ dịch, khu cách ly đang được các đơn vị vệ sinh môi trường xử lý theo đúng quy trình của Bộ Y tế, đảm bảo không để nguồn lây nhiễm chéo dịch cho cộng đồng.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, đại diện lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạng Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và thành phố, đơn vị đã dồn lực phục vụ công tác vệ sinh môi trường ở các điểm chốt kiểm soát cách ly xã hội tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô.

[Chủ động phương án xử lý chất thải lây nhiễm, khẩu trang y tế thải bỏ]

Theo đó, URENCO đã tổ chức lắp đặt tại 30 điểm với 60 nhà vệ sinh lưu động và 6 khu vực chốt kiểm dịch ra vào Thủ đô Hà Nội, thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại các điểm chốt.

Hàng ngày, công nhân được trang bị đồ bảo hộ vẫn miệt mài ra đường, đến các điểm chốt kiểm dịch thực hiện thu gom, đưa rác đi xử lý, hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra, hai đơn vị tham gia thu gom rác thải y tế trong đợt dịch này là Công ty cổ phần vật tư thiết bị môi trường 13 (URENCO 13) và URENCO 10, cũng đã thực hiện nghiêm ngặt quy trình giao nhận, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại; nhất là chất thải từ các cơ sở cách ly, đảm bảo quy trình thu gom “sạch” rác.

Các phương tiện vận chuyển chất thải được phun khử khuẩn bằng dung dịch khử khuẩn ngay trước khi rời khỏi cơ sở cách ly và ngay khi về đến cổng nhà máy xử lý chất thải. (Ảnh: VH/Vietnam+)

Bà Vũ Vân Hà-Giám đốc URENCO 13 cho biết kể từ khi dịch COVID-19 phát sinh trong cộng đồng đến nay, quy trình giao nhận, vận chuyển và xử lý chất thải từ các cơ sở cách ly luôn được công ty thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế, đảm bảo an toàn cho người lao động.

Tại mỗi điểm lấy rác, công nhân đều tiến hành phun khử khuẩn trước khi thu gom; được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ một lần khi đưa rác lên phương tiện thu gom và tiếp tục phun khử trùng bằng dung dịch Chloramin B nhiều lần trước khi đưa rác lên xe chuyên dụng vận chuyển đến khu vực xử lý rác thải y tế nguy hại.

Ngoài ra, các phương tiện vận chuyển chất thải cũng được phun khử khuẩn bằng dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính ngay trước khi rời khỏi cơ sở cách ly và ngay khi về đến cổng nhà máy xử lý chất thải. Trong quá trình vận chuyển chất thải hạn chế di chuyển qua khu đông người.

Phân loại tại nguồn, đảm bảo “sạch” rác

Chia sẻ thêm về quy trình thu nhận, xử lý rác thải y tế, bà Vũ Vân Hà-Giám đốc URENCO 13 cho biết thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và các khách hàng (bệnh viện, cơ sở y tế) phân loại triệt để rác thải tại nguồn, đảm bảo công tác thu gom rác thải sinh hoạt được tập trung, không bị lẫn với rác thải y tế.

Theo đó, đối với rác thải sinh hoạt thông thường, thành phố giao cho các đơn vị môi trường trên từng địa bàn thu gom. Riêng URENCO 13 chủ yếu thu gom rác thải y tế, rác đã phân loại như khẩu trang, găng tay, giấy lau… nên lượng rác cũng không nhiều. Ước tính, mỗi khu cách ly phát sinh khoảng 150-200kg/ngày rác thải y tế.

“Với các điểm cách ly như FPT, Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao ở Nam Từ Liêm, khu vực Tứ Hiệp, số lượng người hết thời gian cách ly ra ngoài cũng nhiều nên khối lượng rác thu gom tại các điểm này đã giảm bớt,” bà Hà nhấn mạnh.

[Vứt khẩu trang ra vỉa hè, đường phố có thể bị phạt đến 7 triệu đồng]

Riêng khu vực Bệnh viện Bạch Mai-nơi được coi là “ổ dịch” CoOVID-19, bà Hà cho biết công ty đã thu gom thường xuyên từ trước khi xuất hiện dịch và đến nay vẫn duy trì tần xuất thu gom rác thải y tế 2 chuyến/ngày, cao điểm là 3 chuyến/ngày.

Về việc xử lý rác thải y tế, bà Hà cho biết hiện nay có 2 phương pháp là hấp và đốt. Với phương pháp đốt, rác y tế sẽ được đưa vào lò đốt ở nhiệt độ cao để tiêu hủy. Còn phương pháp hấp, sau khi đưa rác y tế vào hệ thống lò hấp, tất cả vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh không còn sẽ đưa đi chôn lấp như rác thải thông thường.

Nói về tâm lý của cán bộ công nhân thu gom rác thải y tế tại các điểm cách ly, nhất là khu vực Bệnh viện Bạch Mai, bà Hà khẳng định: “Anh em làm ở URENCO 13 phần lớn đã từng kinh qua phòng chống nhiều dịch như SARS, H5N1, nên khi dịch CoOVID-19 bùng phát, mọi người cũng đã có chuẩn bị tâm lý, đồng lòng.”

Quy trình giao nhận, xử lý chất thải thực hiện nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn cho người lao động. (Ảnh: VH/VIetnam+)

Ngoài ra, lãnh đạo URENCO 13 cũng đã ban hành những quyết định, thông báo hướng dẫn và bổ sung thêm đồ bảo hộ dùng 1 lần, cấp phát vitamin; hướng dẫn quy trình cụ thể để đảm bảo an toàn nhất cho người lao động trong mùa dịch.

Không làm phát tán mầm bệnh

Tại các khu vực khách sạn, vừa qua, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định 1462/QĐ-BYT về việc ban hành “Hướng dẫn tạm thời cách ly tại khách sạn cho cán bộ y tế trong phòng, chống dịch COVID-19.” Thời gian cách ly do Bộ Y tế quyết định tùy thuộc vào tình hình thực tế nhưng không ít hơn 14 ngày.

Các yêu cầu chung đối với khách sạn như: Thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển người được cách ly, tiếp tế hậu cần và vận chuyển chất thải đi xử lý.

Tại lối ra, vào phân khu cách ly; phòng ở cho người được cách ly; phòng/khu vực đệm thay đồ bảo hộ cho nhân viên, có thùng màu vàng có nắp đậy, có đạp chân và có lót túi đựng chất thải lây nhiễm (quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, kính, găng tay, thải bỏ), có dán nhãn “chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2” để đựng rác thải.

Hiện trên cả nước đã có gần 150 khách sạn và khu nghỉ dưỡng tự nguyện đăng ký trở thành điểm cách ly. Mới đây nhất, khách sạn Mường Thanh Grand Xa La (số 66 Phúc La, Khu đô thị Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội) đã được Bộ Y tế chon làm cơ sở cách ly cho cán bộ y tế Bệnh viện Bạch Mai.

Đến nay, các khu vực cách ly đều bố trí thùng đựng rác; quy trình giao nhận, vận chuyển và xử lý chất thải y tế đều đực đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã có văn bản số 1734/BYT-MT, đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải; đặc biệt là xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh COVID-19 ra môi trường.

Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố (như Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa,...) cũng đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Y tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao đảm bảo kinh phí cho các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh.

Trong diễn biến liên quan, mới đây, ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có công văn 1695/BTNMT-VP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét trích kinh phí (từ vốn sự nghiệp môi trường) để đầu tư trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế, các lực lượng làm việc tại các bệnh viện, các khu cách ly và nâng cao năng lực xử lý chất thải nguy hại y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục