Dịch COVID-19: Thổ Nhĩ Kỳ thông báo cấm công dân Anh nhập cảnh

Lệnh cấm được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra sau khi phát hiện 15 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 có khả năng lây lan nhanh hơn chủng cũ ở các du khách tới từ Anh.
Dịch COVID-19: Thổ Nhĩ Kỳ thông báo cấm công dân Anh nhập cảnh ảnh 1Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại nhà ga quốc tế ở London, Anh, ngày 20/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/1, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo nước này đã cấm công dân Anh nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ sau khi phát hiện 15 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có khả năng lây lan nhanh hơn chủng cũ ở các du khách tới từ Anh.

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết 15 du khách trên cũng như những người tiếp xúc với họ đã được cách ly.

Hiện chưa có thêm ca nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2 được phát hiện thông qua công tác kiểm tra định kỳ trên khắp cả nước.

Bộ trưởng Koca khẳng định: "Tình hình đã được kiểm soát. Hiện việc nhập cảnh vào Thổ Nhĩ Kỳ từ Anh đã bị tạm đình chỉ."

[Mỹ yêu cầu hành khách đến từ Anh phải có kết quả xét nghiệm âm tính]

Cũng trong ngày 1/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Hội đồng Nghiên cứu khoa học và công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ (TÜBİTAK) đang trong quá trình thương lượng với hãng dược BioNTech có trụ sở tại Đức về việc sản xuất vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan cho hay Chủ tịch TÜBİTAK Hasan Mandal đã và đang thảo luận với Giám đốc điều hành hãng BioNTech Ugur Sahin về khả năng sản xuất vắcxin phòng COVID-19 của hãng này tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu với báo giới ngày 1/1, ông Erdogan nêu rõ: "Kế hoạch (sản xuất vawcsxin COVID-19) sẽ sớm được công bố rõ ràng và sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết."

BioNTech hiện đang hợp tác với hãng dược Pfizer của Mỹ trong phát triển vắcxin phòng bệnh COVID-19 với tỷ lệ hiệu quả lên đến 95%.

Hôm 8/12, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên cấp phép cho vắcxin này lưu hành để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Ngay sau đó, Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU) cũng cấp phép cho loại vắcxin này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục