Ngày 17/7, Indonesia ghi nhận thêm 51.952 ca mắc và 1.092 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này lên lần lượt là 2.832.755 và 72.489 ca.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, đây là lần thứ 4 Indonesia ghi nhận hơn 50.000 ca mắc mới trong một ngày và là lần thứ 3 số ca tử vong vượt mức 1.000 ca/ngày.
Hiện, quốc gia Đông Nam Á này vẫn còn 527.872 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà và 239.294 ca nghi nhiễm.
Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã gia tăng đột biến và lập kỷ lục với 56.757 ca mắc ghi nhận ngày 15/7 và 1.205 ca tử vong thông báo ngày 16/7.
Số liệu của Bộ Y tế cho thấy tính đến nay đã có 41.268.627 người tại Indonesia được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 16.217.855 người đã được tiêm đầy đủ hai mũi.
[Infographics] Indonesia trở thành tâm dịch COVID-19 lớn nhất thế giới
Tại cuộc họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp luật và an ninh Mahfud MD cho biết Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu hủy chương trình tiêm chủng trả phí.
Giải thích về việc chính phủ cho phép công ty dược phẩm PT Kimia Farma tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 có trả phí, Bộ trưởng Mahfud cho rằng hiện nay, hệ thống bệnh viện đang dần quá tải, thiếu trầm trọng nhân viên y tế, không đủ khả năng tiêm chủng kịp thời cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng trong khi biến thể Delta đang lây lan nhanh chóng và trên diện rộng.
Theo đó, ý tưởng về việc cấp vaccine cho các cơ sở y tế tư nhân để họ tiêm chủng cho nhân viên của họ và người dân nếu có nhu cầu tiêm sớm là một biện pháp giúp giảm bớt gánh nặng cho quốc gia.
Tuy nhiên, do nguồn ngân sách không đủ để xã hội hóa, công ty PT Kimia Farma cũng chưa thể đảm bảo nguồn lực để triển khai chương trình này nên chương trình tiêm chủng trả phí đã bị hủy.
Trước đó, ngày 12/7, Chính phủ Indonesia đã cấp phép cho công ty PT Kimia Farma thực hiện chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các cá nhân có nhu cầu tiêm và phải trả phí.
Chi phí ban đầu là 321.600 IDR/liều (22 USD). Tuy nhiên, chương trình này đã vấp phải phản ứng tiêu cực từ người dân.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng phản đối chương trình này trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong tại Indonesia tăng vọt, hơn nữa một lượng lớn vaccine cung cấp cho Indonesia là từ cơ chế COVAX nên việc thu phí tiêm chủng lúc này là không phù hợp.
Trong khi đó, tại Philippines, ngày 17/7, Bộ Y tế thông báo nước này có thêm 6.040 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.502.359 ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 122 ca tử vong vì COVID-19 nâng tổng số người không qua khỏi lên 26.598 ca.
Philippines, đất nước gồm 110 triệu dân, đã thực hiện xét nghiệm cho hơn 14,8 triệu người kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này vào tháng 1/2020./.