Dịch nCoV: Mông Cổ kéo dài việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc

Nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới, công dân Mông Cổ đang ở Trung Quốc được khuyến cáo trở về quê hương từ nay cho tới ngày 6/2.
Dịch nCoV: Mông Cổ kéo dài việc đóng cửa biên giới với Trung Quốc ảnh 1Mông Cổ sẽ đóng toàn bộ các cửa khẩu ra và vào Trung Quốc cho đến ngày 2/3. (Nguồn: Reuters)

Ngày 31/1, Chính phủ Mông Cổ thông báo nước này sẽ đóng toàn bộ các cửa khẩu ra và vào Trung Quốc cho đến ngày 2/3 tới nhằm tìm cách ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới (2019-nCoV).

Theo thông báo, công dân nước này đang ở Trung Quốc được khuyến cáo trở về quê hương từ nay cho tới ngày 6/2. Tuy nhiên, những công dân nước ngoài không phải người Trung Quốc song có đi qua Trung Quốc để tới Mông Cổ sẽ không được phép vào nước này.

Mông Cổ cũng sẽ cấm công dân tới Trung Quốc, và các công dân Trung Quốc cũng sẽ không được phép tới Mông Cổ.

Nằm giữa Nga và Trung Quốc, Mông Cổ hiện chưa ghi nhận trương hợp nhiễm virus 2019-nCoV nào. Chính phủ Mông Cổ tuyên bố sẽ tìm cách cho hồi hương 30 công dân nước này đang ở Vũ Hán - tâm điểm bùng phát dịch.

[Dịch nCoV: Triều Tiên đóng cửa đường sắt và hàng không với Trung Quốc]

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết Trung Quốc đã tiến hành vệ sinh các máy bay được sử dụng để sơ tán công dân Indonesia đang có mặt ở tỉnh Hồ Bắc, nơi có thủ phủ là thành phố Vũ Hán. Trước đó, Indonesia cho biết sẽ sơ tán hơn 240 công dân đang bị mắc kẹt tại Trung Quốc trong vòng 24h.

Trong khi đó, Khu công nghiệp Morowali ở Indonesia cùng ngày thông báo đã tiến hành cách ly hơn 40.000 công nhân làm việc tại đây do lo ngại dịch bệnh lây lan. Theo đó, khu công nghiệp này đã phong tỏa cơ sở chế biến niken trên đảo Sulawesi và cấm 43.000 công nhân tự ý ra vào nếu không có giấy phép.

Hiện có khoảng 5.000 công nhân Trung Quốc đang làm việc tại khu công nghiệp do Tập đoàn Đầu tư Decent Thượng Hải (Trung Quốc) là cổ đông chính này.

Người phát ngôn công ty cho biết các nhân viên tại khu công nghiệp này đang được xét nghiệm y tế và cho tới nay chưa có trường hợp nhiễm 2019-nCoV được ghi nhận. Công ty cũng ngừng tiếp nhận các công nhân người nước ngoài, và lắp đặt các máy đo thân nhiệt ở cổng vào.

Cũng trong ngày 31/1, Bộ Y tế Oman ra khuyến cáo công dân không nên tới Trung Quốc nếu không cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tình hình dịch bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới tiếp tục diễn biến phức tạp. Tính đến sáng 31/1, trên toàn thế giới đã có 9.805 ca nhiễm bệnh ở 22 quốc gia và vùng lãnh thổ và 214 người tử vong vì dịch bệnh này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vì dịch bệnh từ rạng sáng 31/1 (theo giờ Hà Nội).

Để giảm nguy cơ dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, ngày 31/1, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo các trường tiểu học và trung học, mẫu giáo và các trường học đặc biệt trên toàn địa bàn sẽ tiếp tục đóng cửa đến ngày 2/3.

Một số trường đại học của Hong Kong, trong đó có Đại học Baptist Hong Kong, Đại học Bách khoa và Đại học Hong Kong cũng tuyên bố kéo dài ngày nghỉ đến ngày 2/3, một số môn chuyển sang học trực tuyến.

Trừ các dịch vụ công cộng khẩn cấp và cần thiết, các viên chức được kéo dài kỳ nghỉ thêm một tuần, không cần phải đến văn phòng và có thể làm việc tại nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.