Giới chức Indonesia ngày 19/12 cho biết 27.000 con lợn đã chết vì bệnh tả lợn châu Phi ở tỉnh Bắc Sumatra của nước này. Đây là lần đầu tiên virus gây bệnh trên được phát hiện tại Indonesia.
Bệnh tả lợn châu Phi đã tàn phá đàn lợn ở Trung Quốc và các nơi khác ở châu Á.
Ban đầu, chính quyền Indonesia kết luận nguyên nhân khiến cho những con lợn trên chết là do bị nhiễm virus bệnh tả lợn thông thường, một loại virus gây ra những triệu chứng tương tự như virus tả lợn châu Phi.
Tuy nhiên, theo một quan chức của Bộ Nông nghiệp Indonesia, kết quả xét nghiệm trong các phòng thí nghiệm ở nước này đã cho thấy bệnh tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 16 huyện và thành phố ở Bắc Sumatra.
[Indonesia thận trọng trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi bùng phát]
Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), cơ quan này hiện đang hợp tác với Chính phủ Indonesia để ngăn chặn dịch bệnh trên, song dịch tả lợn châu Phi ở nước này lại đang đặt ra những thách thức chưa từng thấy.
Mặc dù là một quốc gia Hồi giáo đông nhân nhất thế giới và việc ăn thịt lợn bị cấm theo kinh Koran của người Hồi giáo, nhưng Indonesia lại tự hào vì có một cộng đồng đa số người theo đạo Cơ Đốc ở Bắc Sumatra và đảo Bali có đặc sản là thịt lợn quay.
Không giống như ở Trung Quốc nơi có nhiều đàn gia súc lớn được nuôi và xử lý trong điều kiện giống như ở trong nhà máy và có thể ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tại Indonesia, hầu hết những con lợn được nuôi trong chuồng ở sân sau hoặc trong các trang trại nhỏ và được bán tại các chợ nơi virus có thể dễ dàng lây lan.
Trước Indonesia, dịch bệnh tả lợn châu Phi cũng đã bùng phát ở các nước như Myanmar, Lào, Philippines, Việt Nam, Campuchia và Timor Leste./.