Dịch vụ taxi UberPop bị cấm hoạt động trên toàn lãnh thổ Italy

Tòa án Milan đã ra phán quyết cấm UberPop - một dịch vụ của công ty công nghệ Uber (Mỹ) - trên toàn lãnh thổ Italy, với lý do "cạnh tranh không lành mạnh."
Ảnh minh họa. (Nguồn: www.wired.it)

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, ngày 26/5, Tòa án Milan đã ra phán quyết cấm UberPop - một dịch vụ của công ty công nghệ Uber (Mỹ) - trên toàn lãnh thổ Italy, sau khi xử thắng kiện cho các nghiệp đoàn lái taxi theo kiểu truyền thống, với lý do "cạnh tranh không lành mạnh."

UberPop là một ứng dụng cho phép khách hàng có thể thuê xe có người lái đi trên khắp lãnh thổ Italy.

Lái xe muốn trở thành nhân viên của UberPop có thể gửi hồ sơ đến hãng thông qua trang web của Uber. Nếu hồ sơ được chấp nhận, tài xế sẽ được nhận một điện thoại thông minh có gắn ứng dụng UberPop để tiếp nhận yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, Tòa án Milan cho rằng cách thức sử dụng ứng dụng này để đón khách và điều tiết các hoạt động thuê xe trên lãnh thổ Italy là "không hợp lệ" và "vi phạm quy chế quản lý dịch vụ taxi Italy."

Tại phiên tòa, Thẩm phán Claudio Marangoni đã bác bỏ lập luận của luật sư cho Uber rằng dịch vụ UberPop cũng tương đương như "car sharing" (chia sẻ xe hơi) - một dịch vụ đang rất phát triển trên thế giới hiện nay.

Theo ông Marangioni, UberPop khác với "car sharing" ở chỗ dịch vụ này cho phép người đăng ký có thể thuê bất cứ xe nào trong hệ thống, bất kể lái xe đó có bằng lái hay không. Trong khi đó, "car sharing" được chấp nhận vì dịch vụ này hướng tới giảm lượng khí thải, giảm lưu thông trên đường và tôn trọng các quy định hiện có về quản lý xe.

Uber và các dịch vụ của hãng này đã gặp phải sự phản đối dữ dội của các hiệp hội đại diện cho quyền lợi của lái xe taxi truyền thống ở Italy từ nhiều tháng qua. Theo ông Pietro Gagliardi, đại diện của nghiệp đoàn lái xe taxi ở Milan, đây là một "chiến thắng lớn lao" của những lái xe taxi, không chỉ cho chính họ, mà còn cả sự "an toàn của khách hàng."

Trước đó, UberPop đã bị cấm ở Hà Lan và Tây Ban Nha. Hãng Uber cũng đang kháng cáo các quyết định của tòa án Pháp và Đức cấm họ hoạt động trên thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục