Điểm khác biệt trong chính sách xuất khẩu vũ khí của Tổng thống Biden

Thái độ của ông Biden đối với xuất khẩu vũ khí - đặc biệt là việc giảm bớt các loại vũ khí dùng để tấn công quốc gia khác - có thể làm thay đổi doanh số bán hàng tại Boeing Co, Raytheon Technologies.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo hãng Reuters, 90 phút trước khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hôm 20/1, Mỹ đã ký một thỏa thuận trị giá 23 tỷ USD về việc bán máy bay tiêm kích F-35, máy bay không người lái và tên lửa hiện đại cho Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Đây là một phần trong số các thỏa thuận phút chót mà cựu Tổng thống Donald Trump thông báo với Quốc hội sẽ được triển khai trong hai tháng cầm quyền cuối cùng của ông.

Điều này buộc chính quyền ông Biden phải nhanh chóng đưa ra quyết định về việc có nên tiếp tục bán các loại vũ khí nhạy cảm phục vụ mục đích địa chính trị hay không.

Cho đến nay, Tổng thống Biden vẫn giữ nguyên phần lớn các thỏa thuận gây nhiều tranh cãi của ông Trump khiến một số đồng minh đảng Dân chủ ngạc nhiên. Các giám đốc điều hành (CEO) tại 5 nhà thầu quốc phòng lớn yêu cầu được giấu tên cũng bày tỏ ngạc nhiên trước sự do dự của chính quyền Tổng thống Biden.

Tuy nhiên, những CEO này cùng 5 người khác liên quan đến chính quyền Tổng thống Biden đã chia sẻ với Reuters rằng xét về lâu dài, chính sách của tân Tổng thống Mỹ sẽ chuyển sang đề cao nhân quyền, khác với cách tiếp cận mang tính thương mại hơn của ông Trump trong xuất khẩu thiết bị quân sự.

[Xuất khẩu vũ khí trên toàn cầu lần đầu chững lại sau hơn một thập kỷ]

Thái độ của ông Biden đối với xuất khẩu vũ khí - đặc biệt là việc giảm bớt các loại vũ khí được dùng để tấn công quốc gia khác - có thể làm thay đổi doanh số bán hàng tại Boeing Co, Raytheon Technologies Corp và Lockheed Martin Corp.

Điều này đồng nghĩa Tổng thống Biden muốn hạn chế bom đạn và tên lửa, trong khi “bật đèn xanh” cho các công cụ an ninh chống tấn công như radar, thiết bị giám sát và phòng thủ.

Trả lời phỏng vấn hồi tuần trước, Neil Mitchill, Giám đốc tài chính của Raytheon khẳng định “trong tương lai, các loại vũ khí mà chúng tôi đề cập sẽ giảm dần,” đồng thời cho biết việc bán vũ khí cho các khách hàng nước ngoài đã có xu hướng giảm trong nhiều năm qua. Trong khi đó, Boeing và Lockheed đã từ chối bình luận về vấn đề này.

Trong những ngày đầu cầm quyền, chính quyền Tổng thống Biden đã tạm dừng việc bán vũ khí cho các đồng minh Trung Đông, bao gồm cả việc bán các loại vũ khí dẫn đường chính xác do Raytheon và Boeing sản xuất cho Saudi Arabia. Sau đó Mỹ khẳng định rằng sẽ chỉ bán vũ khí “phòng thủ” cho vương quốc này, đồng thời hạn chế các loại vũ khí có khả năng tấn công do lo ngại về thương vong trong cuộc chiến giữa Saudi Arabia với Yemen.

Cuối cùng, đội ngũ của ông Biden đã quyết định gắn bó với thỏa thuận lớn cùng UAE. Động thái trên đã ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích và phản đối từ tổ chức Ân xá quốc tế cũng như nghị sỹ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

Một cựu quan chức Mỹ có mối liên hệ với chính quyền Tổng thống Biden lưu ý rằng nhiều khía cạnh của thương vụ F-35 cần được đàm phán, tạo đòn bẩy khi Hiệp định Abraham giữa UAE và Israel được thực thi. Việc bán F-35 là một thỏa thuận bên lề hiệp định này.

Chuyển sang trạng thái phòng thủ

Tuy nhiên, Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Biden sẽ khó có khả năng triển khai các giao dịch vũ khí như thỏa thuận UAE của cựu Tổng thống Trump cũng như các thỏa thuận khác với các chính phủ có hồ sơ nhân quyền tiêu cực.

Một quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters rằng “mặc dù an ninh kinh tế vẫn là một yếu tố” khi xem xét việc bán vũ khí, song chính quyền ông Biden sẽ “ưu tiên trở lại” các yếu tố khác, trong đó có an ninh quốc gia Mỹ, nhân quyền và chính sách không phổ biến vũ khí.

Rachel Stohl, Phó chủ tịch tại Trung tâm Stimson ở Washington cho biết: “Tôi hy vọng khi chúng ta nghe các tuyên bố rằng ủng hộ nhân quyền là tiền đề và trung tâm trong các cuộc thảo luận về chuyển giao vũ khí, chúng ta sẽ được thấy điều đó thể hiện qua các quyết định thực tế chứ không chỉ qua lời nói.”

Trong giai đoạn chuyển tiếp từ ngày bầu cử vào tháng 11/2020 đến ngày nhậm chức của Biden, chính quyền ông Trump đã gửi thông báo về doanh số bán vũ khí nước ngoài trị giá 31 tỷ USD cho Quốc hội Mỹ.

Thông báo gửi Quốc hội được tính cho hầu hết các giao dịch quân sự nước ngoài trước khi một hợp đồng bán vũ khí được ký kết. Bill Hartung, Giám đốc Chương trình vũ khí và an ninh tại Trung tâm nghiên cứu chính sách quốc tế, cho biết trung bình, doanh thu quân sự nước ngoài dưới thời Trump lên tới 57,5 tỷ USD/năm, cao hơn mức trung bình 53,9 tỷ USD/năm trong 8 năm dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama, tính theo tỷ giá USD năm 2020.

Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, việc Tổng thống Biden chấp nhận một số thỏa thuận giai đoạn cuối thời chính quyền ông Trump sẽ giúp giảm bớt quá trình chuyển đổi chính trị và ngoại giao từ chính quyền này sang chính quyền khác.

Trong trường hợp thỏa thuận với UAE, quyết định này sẽ giúp hai nước “đáp ứng các mục tiêu chiến lược chung nhằm xây dựng quan hệ đối tác an ninh mạnh mẽ, dễ tương tác và có năng lực cao hơn.”

Như Jim Taiclet- CEO của Lockheed- chia sẻ với Reuters vào cuối năm ngoái, “các liên minh thực sự quan trọng... chính sách bán vũ khí quân sự cho nước ngoài là một phần và là cốt lõi của thực tế đó.”

Một nguồn tin cho biết chính quyền ông Biden đã "thừa kế" hơn 500 thỏa thuận xuất khẩu vũ khí mà chính quyền ông Trump để lại. Theo bà Rachel Stohl, Bộ Ngoại giao Mỹ đang “xem xét các quốc gia, các hệ thống vũ khí, cũng như doanh số bán hàng riêng rẽ.”

Tuy nhiên, bà Rachel cho rằng khi Bộ Ngoại giao Mỹ đón nhận thêm nhiều nhân vật mới được bổ nhiệm, có thể sẽ có “sự chuyển đổi mô hình, theo đó việc bán vũ khí được coi là một phần của nỗ lực toàn diện nhằm phát triển cũng như xây dựng quan hệ đối tác và năng lực quốc phòng”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục