Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt vấn đề bán vũ khí là ưu tiên trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình, nên ngày càng muốn tận dụng cả các giải pháp khích lệ lẫn các biện pháp trừng phạt nhằm giành thắng lợi trong những thương vụ bán vũ khí lớn.
Một trong những biện pháp trừng phạt chính mà Mỹ dựa vào nhằm mục tiêu làm suy yếu đối thủ cạnh tranh chủ yếu của mình là Nga, đồng thời cũng để có thể tiêu thụ nhiều vũ khí hơn là Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (The Countering America's Adversaries Through Sanctions Act).
Thế nhưng, chiến lược giành thị trường kiểu một mất một còn như vậy của Mỹ có thể giúp nước này trong một số trường hợp nhưng lại gây ra rủi ro cho chính Washington khi đẩy các đối tác ra xa.
[Tổng thống Trump sẽ bán vũ khí công nghệ cao cho các nước Trung Đông?]
Stratfor, trang mạng chuyên phân tích thông tin tình báo địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, phân tích rằng chiến lược đó của Mỹ ảnh hưởng rất lớn tới các mối quan hệ đồng minh quan trọng của Mỹ trên khắp thế giới.
Trong cuộc cạnh tranh để bán được vũ khí cho khắp thế giới, Mỹ và Nga đang trên đà đụng độ. Và trong cuộc chiến này, Mỹ sẵn có một công cụ khá hữu hiệu, đó là Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (gọi tắt là CAATSA).
Đạo luật này cho phép Washington áp lệnh trừng phạt lên các nước mua vũ khí của Nga và về mặt lý thuyết sẽ tạo ra sân chơi có lợi thế cho phía Mỹ.
Tuy nhiên, trong năm tới, đạo luật này chưa chắc mang lại cho Mỹ những hợp đồng bán vũ khí mà ngược lại, cách tiếp cận khá nặng tay của Mỹ có thể khiến một số nước tầm trung e dè tránh xa Washington và quay sang chọn lựa các nước cung cấp vũ khí khác, thậm chí có thể chọn Nga.
Khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 2017, ông nhanh chóng tiến hành những thay đổi đáng kể trong ngành xuất khẩu vũ khí của Mỹ.
Mặc dù các chính quyền tiền nhiệm có chú ý tới lợi ích của nền công nghiệp quốc phòng khi phác thảo chính sách đối ngoại của Mỹ, Chính quyền của ông Trump mới là Chính quyền đặt ngành này lên đầu trong chiến lược của mình.
Chỉ mấy tháng sau khi ông Trump trở thành Tổng thống, nước Mỹ đã bán được một loạt máy bay chiến đấu F-16 cho Bahrain mà bỏ qua hàng loạt các điều kiện ràng buộc về nhân quyền đối với nước này mà chính những điều kiện đó là lý do khiến thương vụ bán vũ khí này trước đó đã không thể thực hiện được.
Sau đó, Nhà Trắng lại tiếp tục thực hiện thành công mấy thương vụ bán vũ khí lớn nữa cho Saudi Arabia, theo đó bỏ qua những quy định do Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đặt ra trước đó, nhằm hạn chế bán một số loại vũ khí nhất định, đồng thời cũng vượt quyền Quốc hội bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi các nghị sỹ đã cố ngăn chặn việc bán vũ khí cho Saudi Arabia để phản đối vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Chính quyền của ông Trump đã đưa ra một chiến lược đằng sau những thương vụ bán vũ khí gây tranh cãi này và cả đối với những thương vụ tương tự trong kế hoạch có tên gọi "Buy American" (tạm dịch "phải mua của Mỹ"), nhằm thúc đẩy nền công nghiệp bán vũ khí và nền kinh tế Mỹ nói chung thông qua việc tăng số lượng các hợp đồng bán vũ khí được giao dịch thành công.
Sáng kiến này cũng buộc các tùy viên quân sự và các quan chức bộ ngoại giao Mỹ ở các sứ quán phải đóng vai trò mời bán vũ khí Mỹ trên khắp thế giới.
Tương tự như vậy, Mỹ cũng bỏ dần các rào cản liên quan tới việc bán một số loại vũ khí nhất định, chẳng hạn như máy bay không người lái có trang bị vũ khí. Trước đây, chính vì những rào cản đó, nhiều khách hàng tiềm năng đã quay sang mua của Trung Quốc.
Việc tập trung nỗ lực nhằm tăng xuất khẩu vũ khí đã giúp Mỹ gặt hái được thành quả rõ rệt về doanh thu.
Xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng từ 33,6 tỷ USD và 42 tỷ USD trong năm 2016 và 2017 lên 55,6 tỷ USD và 55,4 tỷ USD vào các năm tài khóa 2018 và 2019.
Thế nhưng, Mỹ không phải là nước duy nhất muốn mở rộng nền công nghiệp xuất khẩu vũ khí.
Nga, nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, cũng đang thúc đẩy chiến lược này, bởi gia tăng xuất khẩu vũ khí là phương tiện duy trì sự ổn định cho ngành công nghiệp sản xuất vũ khí trong nước.
Đây là thời điểm các đơn hàng vũ khí cho chính quân đội Nga đang giảm do những thách thức xuất phát từ khó khăn của nền kinh tế.
Một trong những biện pháp của Nga là tham gia quân sự ở Syria để quảng bá sức mạnh các loại vũ khí của mình, đồng thời tìm cách lồng ghép việc bán vũ khí với các chiến lược xây dựng quan hệ và tỏ rõ quan điểm sẵn sàng bán những loại vũ khí tối tân nhất, hiện đại nhất để chiếm được các thương vụ lớn.
Với Mỹ, mặc dù Mỹ không chủ định ra đạo luật CAATSA nhằm mục đích cạnh tranh bán vũ khí với Nga, nhưng cuối cùng chính đạo luật này lại trở thành công cụ hữu hiệu cho Chính quyền đương nhiệm của ông Trump đạt được mục đích đó.
Khi cả Mỹ và Nga đều muốn đẩy mạnh những thương vụ bán vũ khí lớn thì các khách hàng tiềm năng bỗng thấy mình mắc kẹt ở giữa.
Tình cảnh này đã xảy ra ở khắp nơi trên toàn cầu, dù rằng ảnh hưởng rõ nét nhất của cuộc cạnh tranh này có thể thấy ở Trung Đông, đặc biệt khi các lệnh trừng phạt theo đạo luật CAATSA của Mỹ đang được áp dụng ở đây.
Theo đạo luật CAATSA, Mỹ có thể trừng phạt những nước không giảm đáng kể lượng vũ khí mà họ nhập của Nga.
Mỹ thậm chí đã mở rộng quy mô trừng phạt của đạo luật trong các cuộc đối thoại của Mỹ với các nước hiện vẫn phụ thuộc vào việc mua vũ khí của Nga, gồm cả Ấn Độ và Indonesia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ai cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Serbia ở châu Âu và nhiều nước khác nữa.
Đây không chỉ lời dọa suông và từ lâu Nga đã gọi đạo luật CAATSA của Mỹ là công cụ cạnh tranh không lành mạnh.
Tuy nhiên, đạo luật này lại chính là "con dao hai lưỡi."
Các quan chức bộ ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đã khuyến cáo rằng luật này phải được áp dụng một cách thận trọng.
Thứ nhất, kế hoạch nâng cấp hay bổ sung nhu cầu quốc phòng là vấn đề đặc biệt nhạy cảm. Việc các quốc gia phải thông báo cho Mỹ việc họ sẽ lựa chọn đối tác nào có nghĩa là họ phải tính tới các yếu tố can thiệp về chính trị từ bên ngoài.
Những điều này là yếu tố chủ chốt trong bất kỳ thương vụ mua bán vũ khí nào. Không khó để thấy kiểu chào hàng như vậy có thể phá hủy hoàn toàn niềm tin giữa các khách hàng tiềm năng và Washington.
Thứ hai, nhiều nước, chẳng hạn như Ấn Độ và Việt Nam, vốn đã nhập vũ khí của Nga từ trước nên rất khó có thể cắt ngay lập tức một số lượng lớn vũ khí mua của Nga, nhất là khi lực lượng quốc phòng của những nước này đã quen thuộc với các loại vũ khí của Nga.
Ví dụ, với nhiều quốc gia, khó có loại vũ khí tương đương nào đủ tầm cạnh tranh với vũ khí của Nga (và trong một số trường hợp, kể cả vũ khí của Mỹ cũng không cạnh tranh được), bởi các nhà cung cấp khác không thể có loại vũ khí giống y hệt, hoặc không thể đưa ra mức chào hợp lý cả về chuyển giao công nghệ và giá cả.
Điểm cuối cùng, với việc ép buộc các đối tác, mà nhiều nước trong số đó đã mua rất nhiều vũ khí của Mỹ, Washington có thể khiến họ đi tìm các nhà cung cấp khác, như châu Âu, Trung Quốc hoặc thậm chí phát triển vũ khí sản xuất trong nước.
Tất cả những nguy cơ trên làm gia tăng khả năng đạo luật CAATSA có thể phản tác dụng và khiến những đối tác mà Mỹ nhắm tới né tránh Mỹ và nghiêng về Nga hay thậm chí là Trung Quốc.
Thổ Nhĩ Kỳ là một trường hợp điển hình như vậy. Thương vụ mua hệ thống phòng thủ không quân giữa Ankara và Washington, hai đồng minh thân thiết ở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), kéo dài cả thập kỷ mà chưa hoàn tất.
Trong khi đó, Nga mời chào Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 kèm điều kiện chuyển giao phần lớn công nghệ, giá cả hợp lý cùng với viễn cảnh quan hệ ngày càng thân thiết giữa hai nước.
Còn Mỹ, nhất là Quốc hội, lại muốn không bán máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nữa, đồng thời đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt theo đạo luật CAATSA.
Tuy nhiên, thay bằng việc khuất phục trước các đòi hỏi của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ lại đe dọa sẽ tiến tới mối quan hệ gần hơn với Nga, tìm kiếm cơ hội mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga thay thế cho F-35 của Mỹ mà chính Mỹ đang muốn ngăn chặn.
Nhận thấy khả năng này có thể xảy ra và e ngại sẽ mất một hợp đồng vũ khí béo bở với Thổ Nhĩ Kỳ, Chính quyền của ông Trump đã tìm cách trì hoãn việc áp các lệnh trừng phạt theo đạo luật CAATSA trong lúc tìm kiếm giải pháp để đạt được bước đột phát trong mối quan hệ đang bị đình trệ với Ankara.
Thế nhưng, trước sức ép của Quốc hội Mỹ ngày càng gia tăng, dường như Nhà Trắng chẳng còn cách nào khác ngoài việc vẫn áp lệnh trừng phạt theo đạo luật CAATSA đối với Ankara.
Vụ tranh chấp này cho thấy vấn đề bán vũ khí và cả việc đấu khẩu qua lại giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã ảnh hưởng khá lớn đối với mối quan hệ của cả ba quốc gia chỉ trong một thời gian ngắn.
Mối liên quan giữa đạo luật CAATSA của Mỹ với cuộc cạnh tranh giành thị phần bán vũ khí giữa Mỹ và Nga cũng thể hiện rõ ở các nước khác ở khu vực Trung Đông.
Những loại vũ khí tối tân của Nga được trang bị khá nhiều ở khu phòng thủ ngoại giao của Nga trong khu vực Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh khiến một số nước vùng Vịnh như Saudi Arabia và Qatar đã bày tỏ sự quan tâm về các loại vũ khí này.
Moskva cũng dùng chính mối quan hệ ngày càng cải thiện với Cairo để đạt được một số thương vụ, trong đó có hợp đồng bán máy bay Su-35 gần đây.
Việc Nga thành công khi lôi kéo được các đồng minh thân cận truyền thống của Mỹ về mặt lý thuyết sẽ tạo ra thách thức to lớn đối với Mỹ tại một số thị trường vũ khí lớn.
Tuy nhiên, Moskva khó có thể thay thế vai trò của Washington, bởi những nước đồng minh này phụ thuộc vào Mỹ trong việc đảm bảo an ninh và cũng dễ bị Mỹ áp các lệnh trừng phạt. Chính họ cũng luôn muốn sở hữu các vũ khí tối tân của Mỹ.
Chính vì sự phụ thuộc này mà Mỹ vẫn sẽ dùng đạo luật CAATSA để đe dọa và điều chỉnh thái độ của những nước nói trên. Do đó, cũng không có gì ngạc nhiên khi Mỹ đã nhanh chóng đe dọa áp các lệnh trừng phạt theo đạo luật CAATSA đối với Ai Cập, nếu nước này vẫn quyết định mua vũ khí của Nga.
Washington và Moskva đương nhiên sẽ còn tiếp tục tranh giành thị phần, bởi cả hai cường quốc đều ưu tiên lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Cuộc cạnh tranh này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro đặc biệt khi Mỹ ngày càng sẵn sàng tung ra các lệnh trừng phạt như một công cụ hữu hiệu trong cuộc chạy đua này.
Việc áp dụng chiến lược "một mất một còn" có thể giúp Mỹ giữ được các nước đồng minh, nhất là các nước phụ thuộc vào Mỹ và không mua vũ khí của Nga.
Thế nhưng, như đã thấy trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, các biện pháp quá mạnh tay cũng có thể phản tác dụng và khiến các quốc gia đó chuyển sang mua vũ khí của Nga.
Chính Mỹ đã phải dựa vào những khách hàng vốn trước đây thường mua vũ khí của Nga như Ấn Độ để thực thi kế hoạch "phải mua của Mỹ 2020", rõ ràng cách tiếp cận dựa vào CAATSA cần được cân nhắc kỹ lưỡng./.