Theo số liệu của web thống kê worldometers.info, ngày 29/4, thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 3,16 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong khi tổng số ca tử vong cũng tăng lên hơn 219.000 ca.
Mỹ đã ghi nhận số ca tử vong tăng trở lại hơn 2.000 ca sau hai ngày liên tiếp chỉ ghi nhận khoảng 1.300 ca tử vong mỗi ngày. Tính đến 22h tối 29/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca tử vong tại Mỹ là 59.284 ca.
Trước đó, số ca nhiễm của Mỹ đã vượt 1 triệu ca, chiếm khoảng 1/3 số ca nhiễm toàn thế giới. Đây cũng là ngày mà nhiều tiểu bang như Alaska, Colorado, Minnesota, Texas, Vermont, Georgia đã bắt đầu mở cửa một phần hoạt động kinh doanh, dỡ bỏ một số hạn chế vốn được thực thi để giảm thiểu sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Tại châu Âu, Nga hiện là được coi là điểm nóng của dịch bệnh khi vài ngày gần đây ghi nhận số ca nhiễm mới luôn ở mức trên 5.000 ca. Ngày 29/4, Nga ghi nhận thêm 5.841 ca mắc mới, nâng tổng số ca lên 99.399 ca. Quốc gia này cũng đã gia hạn lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh, vốn được ban bố từ giữa tháng 3 vừa qua và sẽ hết hiệu lực ngày 29/4, cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu chính phủ cùng với các khu vực và doanh nghiệp bắt đầu chuẩn bị kế hoạch hành động quốc gia quy mô lớn để bình thường hóa hoạt động kinh doanh, khôi phục việc làm và thu nhập của người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.
Sau Nga, Tây Ban Nha là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao thứ hai tại châu Âu với 4.771 ca được thông báo trong ngày 29/4, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên 236.899 ca. Với tổng cộng 24.275 ca tử vong, quốc gia này hiện cũng đứng thứ 3 thế giới về số người tử vong, chỉ sau Mỹ và Italy (27.359 ca).
[Chuyên gia Hàn Quốc bác khả năng tái nhiễm COVID-19 sau khi bình phục]
Tại Đức, sau khi có thời điểm tỷ lệ lây nhiễm giảm mạnh xuống còn 0,7 trong vài ngày qua, tỷ lệ này đã tăng lên trên dưới 1,0 và diễn biến này đang khiến nhiều địa phương lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ hai trong bối cảnh việc nới lỏng giãn cách xã hội đã được thực hiện tại hầu hết các bang.
Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách và phòng ngừa không để tỷ lệ lây nhiễm tăng trên 1,0 - có nghĩa một bệnh nhân sẽ lây nhiễm cho một người khác.
Ngày 29/4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố quốc gia này sẽ nối lại các hoạt động kinh doanh dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Phát biểu trên được đưa ra khi Bộ Y tế Iran thông báo thêm 80 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 5.957 ca. Trong khi đó, quốc gia này ghi nhận thêm 1.073 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng ca nhiễm lên 93.657 ca.
Tại châu Á, Bộ Y tế Philippines ngày 29/4 thông báo số ca nhiễm đã vượt 8.000 ca. Singapore, quốc gia có số ca nhiễm cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, cũng ghi nhận thêm 690 ca mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 15.641 ca. Hầu hết các ca mới tại Singapore là lao động nhập cư sống trong các khu tập thể.
Trong khi đó, Thái Lan xác nhận thêm chín ca mới, ngày thứ ba liên tiếp số ca mới ở mức 1 con số. Tính đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 2.947 ca nhiễm, trong đó có 54 ca tử vong.
Cũng trong ngày 29/4, Chính phủ Mỹ công bố báo cáo kinh tế cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này trong quý 1 đã giảm mạnh ở mức 4,8% do tác động của dịch. Đây là mức giảm tính theo quý mạnh nhất kể từ quý 4/2008, chấm dứt hơn một thập kỷ tăng trưởng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Cùng ngày, Chính phủ Đức dự báo GDP nước này sẽ giảm 6,3% trong năm 2020 do COVID-19 và đây sẽ là cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất nhất kể từ sau chiến tranh, cũng là đợt suy thoái lần đầu tiên sau 10 năm đạt tăng trưởng. Do đại dịch, phần lớn đời sống thường nhật và hoạt động kinh tế phải tạm ngừng và việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội chỉ có thể được thực hiện từng bước.
Trong khi đó, Viện Kinh tế và Nghiên cứu xã hội quốc gia của Anh (NIESR) dự báo kinh tế nước này suy giảm 7,2% trong năm nay nếu các biện pháp hạn chế tiếp tục được thực thi cho đến giữa tháng Năm./.