Ngày 20/5, số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 toàn cầu đã vượt mốc 5 triệu người trong khi số người tử vong vì dịch bệnh cũng đã vượt 325.000 người.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 20/5 (giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận 5.018.669 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 325.679 ca tử vong.
Cụ thể, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 1,57 triệu ca nhiễm và hơn 93.000 ca tử vong. Tiếp đến là Nga - nước có số ca nhiễm (308.705 người) nhiều nhất sau Mỹ mặc dù số ca tử vong vẫn thấp hơn so với nhiều nước.
Chính phủ Mỹ đã quyết định gia hạn hạn chế các hoạt động qua lại không cấp thiết qua đường biên giới giữa nước này với Canada và Mexico, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo Bộ An ninh nội địa Mỹ, lệnh đóng cửa đường biên giới - được công bố ngày 20/3 vừa qua - sẽ hết hạn vào ngày 20/5. Với thông báo mới nêu trên, lệnh này sẽ được gia hạn đến ngày 22/6 tới và được xem xét lại sau mỗi 30 ngày.
Trong khi đó, Bộ Y tế Mexico thông báo số ca mắc bệnh tại quốc gia châu Mỹ này đã lên đến 54.346 người sau khi ghi nhận thêm 2.713 bệnh nhân nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây cũng là mức tăng số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong một ngày tại Mexico. Mặc dù đang trong giai đoạn đỉnh dịch, Chính phủ Mexico đã lên kế hoạch mở cửa lại từng bước nền kinh tế.
Bộ Y tế đã cho phép 324 thành phố thuộc 14/32 bang của nước này quay trở lại tình trạng bình thường mới do không ghi nhận trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng trong vòng 28 ngày qua.
Liên quan tới đại dịch COVID-19 tại khu vực Trung Mỹ, số ca nhiễm bệnh tại Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã lên đến 16.905 người, trong đó có 503 ca tử vong.
Tại Nam Mỹ, chính quyền thành phố Cordoba của Argentina đã quyết định áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa sau khi số các ca mắc COVID-19 tăng đột biến trở lại trong những ngày gần đây, với 55 trường hợp chỉ trong 3 ngày. Hiện Argentina đã ghi nhận 8.358 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 384 ca tử vong.
Trong khi đó, Tổng thống Colombia Ivan Duque cũng quyết định gia hạn thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cho tới ngày 31/5. Đây là quyết định gia hạn lần thứ 4 được Chính phủ Colombia đưa ra kể từ cuối tháng Ba vừa qua, nhằm chặn đứng chuỗi lây lan của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, tình trạng khẩn cấp về y tế cũng được chính phủ nước này kéo dài tới ngày 31/8 tới.
Tại châu Âu, ngày 20/5, nhà chức trách Nga thông báo số ca tử vong vì mắc bệnh COVID-19 trong 24 giờ qua tại nước này ở mức cao nhất từ trước đến nay, với 135 trường hợp. Tuy nhiên, số bệnh nhân mắc COVID-19 mới trong ngày lại ở mức thấp nhất, với 8.764 trường hợp. Tình hình dịch bệnh tại Nga được cho là đang dần ổn định.
Trong khi đó, do diễn biến dịch bệnh vẫn đáng lo ngại, Chính phủ Tây Ban Nha đang tìm cách thuyết phục quốc hội nước này kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia thêm hai tuần, tức đến ngày 7/6 sau khi lệnh khẩn cấp hiện tại để ứng phó với đại dịch COVID-19 sẽ hết hạn ngày 23/5. Người phát ngôn Chính phủ Tây Ban Nha, bà Maria Montero cho rằng tình trạng khẩn cấp quốc gia cần được kéo dài để đảm bảo thực thi các quy định về hạn chế di chuyển, cũng như bảo vệ thành quả phòng chống dịch mà nước này đạt được trong thời gian qua. Theo kế hoạch, Quốc hội Tây Ban Nha sẽ bỏ phiếu về đề xuất này trong ngày 20/5.
Tại châu Á, ngày 20/5, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết số ca mắc COVID-19 tại nước này đã tăng lên 11.110 ca sau khi có thêm 32 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, số ca tử vong vẫn là 263 ca. Theo KCDC, mặc dù số ca nhiễm mới tăng trở lại mức trên 30 ca, song có thể nói Hàn Quốc đã dần kiểm soát được tình hình từ vụ lây nhiễm tập thể ở Itaewon.
Cùng ngày, Viện Nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI) - cơ quan nghiên cứu chính sách Nhà nước ngày 20/5 đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2020 của nước này xuống còn 0,2%, giảm mạnh so với mức dự đoán 2,3% mà cơ quan này đưa ra hồi tháng 11/2019.
Ở Đông Nam Á, ngày 20/5, Ủy ban chống COVID-19 của Indonesia thông báo thêm 693 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất trong một ngày tại nước này và đưa tổng số ca nhiễm lên 19.189 ca. Số ca tử vong mới là 21 ca, đưa tổng số ca tử vong lên 1.242 ca. Bộ Y tế Philippines ghi nhận thêm 279 ca nhiễm mới, cao nhất trong một ngày trong vòng 9 ngày qua và nâng tổng số ca nhiễm lên 13.221 ca, trong khi tổng số ca tử vong cũng tăng lên 842 ca.
Bộ trưởng Y tế nước này Francisco Duque nhận định Philippines đang đối mặt với làn sóng nhiễm COVID-19 thứ 2. Singapore ghi nhận 570 ca mới đưa tổng số lên 29.364 ca trong khi số ca tử vong vẫn là 22 ca.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Italy, Iran, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ, từng áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Tuy nhiên, khách nước ngoài sẽ vẫn phải có một chứng nhận khẳng định họ không nhiễm virus trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh và phải chứng minh có bảo hiểm y tế trị giá 50.000 USD trong thời gian lưu trú tại Campuchia. Họ cũng sẽ phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh tại khu vực được chính phủ chỉ định và phải xét nghiệm virus gây bệnh.
Trong khi đó, Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) ngày 20/5 đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục, từ 0,75% xuống còn 0,5% nhằm giúp giảm nhẹ tác động kinh tế của dịch COVID-19 cũng như các biện pháp giãn cách xã hội. Đây là lần thứ hai MPC cắt giảm lãi suất cơ bản trong năm nay khi nền kinh tế Thái Lan sụt giảm sâu hơn so với dự báo trước đó do sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Kinh tế Thái Lan được cho là đang có nguy cơ suy thoái sau khi giảm 1,8% trong quý 1/2020 so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu nhất kể từ quý 4/2011 khi đất nước này phải hứng chịu lũ lụt./.