Diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới ngày 8/3

Trong ngày 8/3, dịch bệnh COVID-19 có xu hướng giảm tốc độ lây lan ở những vùng tâm điểm trước đó như Hàn Quốc hay Trung Quốc đại lục, song lại gây ảnh hưởng mạnh ở khu vực Mỹ Latinh.
Diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới ngày 8/3 ảnh 1Du khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/3, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đã lên đến 107.800 người, trong khi số ca tử vong là 3.661 người. Các nước Bangladesh, Moldova, Paraguay, Bulgaria và Maldives đã xác nhận những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên.

Tại Trung Quốc đại lục, nơi dịch bệnh khởi phát, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo nước này ghi nhận thêm 44 ca nhiễm và 27 ca tử vong, tiếp tục đà giảm của các ngày trước đó. Các ca tử vong mới đều ở tâm dịch Hồ Bắc.

Trong khi đó, trong ngày 7/3 đã có 1.661 người ở Trung Quốc đại lục được xuất viện, số ca nguy kịch giảm 225 ca. Tổng số ca nhiễm tại đại lục từ đầu mùa dịch đến hết ngày 7/3 là 80.695 người, trong đó 20.533 người vẫn đang được điều trị, 57.065 người đã khỏi bệnh và được ra viện, 3.097 người tử vong. Ngoài ra, 458 ca trong diện nghi nhiễm và 23.074 người có tiếp xúc gần đang được theo dõi y tế.

Đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận ca tử vong thứ ba do COVID-19 là một nữ bệnh nhân 76 tuổi, sinh sống tại vùng lãnh thổ này. Trong ngày 8/3, Hong Kong xác nhận thêm 4 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại đây lên 114 người.

Tại Hàn Quốc, tính trong cả ngày 8/3, nước này ghi nhận thêm 367 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên 7.313 trường hợp. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ ngày 26/2 và cũng là lần đầu tiên trong 11 ngày qua, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc dưới mức 400 người. Số ca tử vong tại Hàn Quốc hiện là 50 người.

Tại Nhật Bản, tổng số ca nhiễm virus COVID-19 đã lên thành 1.198 ca. Số ca tử vong hiện là 14, trong đó có 7 ca trên du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly tại cảng Yokohama.

Tại Iran, Bộ Y tế thông báo nước này vừa ghi nhận thêm 49 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 194 người. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Iran đã tăng lên thành 6.566 người.

Tại Argentina, Bộ Y tế xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên do COVID-19. Đây cũng là ca tử vong đầu tiên tại khu vực Mỹ Latinh liên quan tới căn bệnh này.

Đến nay Argentina đã ghi nhận 8 trường hợp nhiễm COVID-19 sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên ngày 4/3 vừa qua. Tuy nhiên, bệnh nhân tử vong lại không nằm trong số các ca được xác nhận nhiễm bệnh. 

Tại Italy, hiện có 5.883 người nhiễm bệnh và 233 ca tử vong. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh hạn chế ra vào khu vực tâm dịch, gồm toàn bộ vùng Lombardy và 14 tỉnh thuộc Veneto, Emilia Romagna, Piemonte và Marche.

Lệnh cấm có hiệu lực từ 8/3-3/4 nhưng theo lời của Thủ tướng Conte, đây "không phải là lệnh cấm tuyệt đối" mà các hoạt động quan trọng vẫn diễn ra, tàu điện và máy bay vẫn hoạt động để đáp ứng nhu cầu công việc, tình trạng khẩn cấp và sức khỏe cộng đồng.

Trong thời gian này, cảnh sát có quyền ngăn chặn công dân ra vào khu vực tâm dịch, nơi các ca nhiễm COVID-19 vẫn đang tiếp tục gia tăng. Thủ tướng Conte cũng khẳng định ông sẽ chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời khuyến cáo trẻ em và người cao tuổi nên ở nhà để đảm bảo sức khỏe.

Người dân các vùng này được yêu cầu hạn chế di chuyển; giữ khoảng cách an toàn ít nhất 1m; các quán bar, nhà hàng phải đóng cửa trước 18h; bất kỳ trường hợp nào sốt trên 37,5 độ phải ở nhà và người bị cách ly cấm không được đi ra ngoài.

Đây là những biện pháp mới đầy mạnh mẽ của Chính phủ Italy với mức độ quyết liệt chỉ sau Trung Quốc nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Tại Cộng hòa Séc, chính phủ nước này đã áp dụng biện pháp khẩn cấp cách ly bắt buộc 14 ngày đối với công dân Séc cũng như người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Séc trở về từ Italy.

Lệnh cấm được đưa ra sau khi Séc ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số người nhiễm virus COVID-19 chủ yếu do từng đến Italy hoặc tiếp xúc với những người từng tới quốc gia Nam Âu đang là tâm dịch ở châu Âu.

Trong khi đó, chính quyền thành phố Moskva của Nga cảnh báo sẽ phạt tù tới 5 năm đối với những người không tự cách ly tại nhà trong 2 tuần sau khi trở về từ những nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và những nước khác. Những người không tuân thủ có thể bị phạt nặng, trong đó có án tù tới 5 năm.

Tại Thái Lan, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã bơm thêm 500 tỷ baht (15,91 tỷ USD) tiền mới vào lưu thông nhằm nâng cao tỷ lệ tiền giấy sạch không có virus SARS-CoV-2 trên bề mặt. Ngoài ra, BoT cũng đang thu hồi và cách ly tiền giấy cũ trong vòng 14 ngày trước khi đưa trở lại lưu thông.

Ngoài biện pháp trên của BoT, ngày 8/3, hai tổ hợp thương mại lớn ở thủ đô Bangkok là Emquartier và Emporium đã cho lắp đặt các máy khử trùng toàn thân tự động nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Đây là lần đầu tiên các máy khử trùng tự động được lắp đặt tại các trung tâm thương mại của Thái Lan để thu hút lại lượng khách mua sắm đang sụt giảm do lo ngại về COVID-19. 

Tại Malaysia, Bộ Y tế nước này đã ban hành lệnh cấm tất cả các tàu du lịch cập cảng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức.

Trước những diễn biến dịch nguy hiểm trên phạm vi toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh việc áp đặt các biện pháp kiềm chế và kiểm soát nghiêm ngặt có thể giúp giảm đáng kể tốc độ lây lan hoặc ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của COVID-19 trong bối đã có hơn 100.000 ca nhiễm trên toàn thế giới.

Theo WHO, Trung Quốc và nhiều nước khác đang chứng minh cho cả thế giới về việc có thể hạn chế tốc độ lây lan và những ảnh hưởng của COVID-19 bằng việc thực hiện các biện pháp kiềm chế và kiểm soát nghiêm ngặt.

Những biện pháp này bao gồm huy động toàn xã hội xác định những người nhiễm bệnh và đưa họ đi chữa trị; theo dõi quá trình tiếp xúc; chuẩn bị các bệnh viện và các phòng khám chữa bệnh; đào tạo đội ngũ y tế để ứng phó trong trường hợp số lượng bệnh nhân gia tăng.

Việc kiềm chế và làm chậm tốc độ lây lan sẽ giúp các nước có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho công tác ứng phó với dịch bệnh, hay tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả.

WHO khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các nước, các đối tác và các chuyên gia y tế để phối hợp các hoạt động, đưa ra những khuyến nghị, phân phối các nguồn cung ứng, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin cho công chúng để họ có thể tự bảo vệ mình cũng như thực hiện các biện pháp khác để phòng chống dịch bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục