Diễn đàn phản đối toàn cầu hóa lần đầu tổ chức tại nước G7

Được coi là đối trọng của Diễn đàn Kinh tế Davos, WSF do các tổ chức xã hội dân sự tổ chức thường niên nhằm thảo luận và tìm hướng phát triển toàn cầu đi ngược lại quá trình toàn cầu hóa.
Hàng ngàn người tham gia diễu hành qua trung tâm thành phố Montreal trước khi diễn ra Diễn đàn Xã hội Thế giới. (Nguồn: Yahoo News) 

Diễn đàn Xã hội Thế giới (WSF) 2016 tổ chức tại Canada đón khoảng 35.000 người tham dự, thấp hơn con số 50.000 người kỳ vọng ban đầu. Dù vậy, các nhà tổ chức vẫn khẳng định WSF lần thứ 12 diễn ra tại Montreal là một thành công.

Phát biểu với báo giới ngày 15/8, ông Raphael Canet, một thành viên của ban tổ chức, cho biết "rất hài lòng" với con số khách mời năm nay, đặc biệt khi so với lần tổ chức đầu tiên tại Brazil hồi năm 2001 chỉ có hơn 20.000 người tham dự.

Đây là lần đầu tiên WSF tổ chức tại một nước thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). WSF 2016 bao gồm 22 phiên họp thảo luận về một loạt vấn đề nổi cộm như môi trường, dịch vụ công và y tế.

WSF là một sự kiện thường niên do các tổ chức xã hội dân sự tổ chức nhằm thảo luận và tìm hướng phát triển toàn cầu đi ngược lại quá trình toàn cầu hóa.

WSF được coi là đối trọng của Diễn đàn Kinh tế Davos và thu hút nhiều chú ý của dư luận do đưa ra nhiều vấn đề mà thế giới quan tâm, đặc biệt là mặt trái của quá trình toàn cầu hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục