Diễn đàn thanh niên hành động vì khí hậu tại Thủ đô Hà Nội

Diễn đàn thanh niên hành động vì khí hậu (còn gọi là Youth4Climate) tại Hà Nội đánh dấu việc khởi động Sáng kiến Youth4Climate ở Việt Nam trong khuôn khổ "Lời hứa Khí hậu" của UNDP.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 25/2, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bộ Tài nguyên và Môi trường và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đồng tổ chức Diễn đàn thanh niên hành động vì khí hậu (còn gọi là Youth4Climate) tại Hà Nội, đánh dấu việc khởi động Sáng kiến Youth4Climate ở Việt Nam.

Diễn đàn là một phần của Sáng kiến Youth4Climate trong khuôn khổ "Lời hứa Khí hậu" của UNDP - một chương trình toàn cầu cam kết hỗ trợ 115 quốc gia trong việc tăng cường các Đóng góp do quốc gia quyết định vào năm 2020.

Sáng kiến Diễn đàn thanh niên hành động vì khí hậu là nhằm tăng cường năng lực của những người đại diện thanh niên hiện nay và mạng lưới thúc đẩy các hành động về khí hậu tại các diễn đàn quốc gia và quốc tế, thông qua các nỗ lực nhất quán và có sự phối hợp cũng như tăng cường hợp tác với Chính phủ, các cơ quan của Liên hợp quốc, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân và các tổ chức chính trị xã hội trong các sáng kiến và chính sách về khí hậu trong tương lai ở Việt Nam.

[Bốn lĩnh vực ưu tiên nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu]

Tại Diễn đàn, thông tin về kết quả của cuộc khảo sát toàn cầu gần đây của Diễn đàn thanh niên hành động vì khí hậu cho thấy trong cuộc bình chọn về "Khí hậu của mọi người," 64% người được hỏi tại Việt Nam cho rằng họ đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu toàn cầu, 60% trong số họ đề xuất các biện pháp ứng phó khẩn cấp.

Cuộc bình chọn về "Khí hậu của mọi người" là cuộc khảo sát ý kiến công chúng về biến đổi khí hậu lớn nhất từng được thực hiện với sự tham gia của 1,2 triệu người thuộc 50 quốc gia.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Văn Tấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết Việt Nam coi ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn và là nhiệm vụ trọng tâm của toàn bộ hệ thống chính trị. Việt Nam đã nhanh chóng phê duyệt và triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris ngay sau khi Thỏa thuận Paris được thông qua năm 2015.

Các nỗ lực gần đây về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam được thể hiện trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định năm 2015, cập nhật năm 2020, kế hoạch thích ứng quốc gia, các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội trung và dài hạn và chương trình, chiến lược đến 2030, tầm nhìn 2045 của các bộ, ngành, địa phương...

Trong số đó, Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật của Việt Nam đã nêu đậm nỗ lực quốc gia trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển vững bền.

Các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định đã được lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương thời gian tới.

Đặc biệt, các cam kết của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu cũng đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua trong tháng 11 năm 2020.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biến đổi khí hậu Phạm Văn Tấn, việc thực hiện được các mục tiêu nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định và Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng, trong đó thanh niên đóng vai trò hết sức quan trọng.

Mỗi hành động của các đoàn viên, thanh niên dù là nhỏ nhất đều có sức lan tỏa mạnh mẽ, sẽ góp phần thay đổi nhận thức và tạo động lực chuyển đổi toàn nền kinh tế và xã hội sang hướng các bon thấp, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Diễn đàn Thanh niên hành động vì khí hậu.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện Cơ quan thường trú của UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh tuổi trẻ là nguồn sáng tạo và đổi mới rất quan trọng và có thể tạo ra những thay đổi đáng kể để đảo ngược tác động của khí hậu nếu họ được hỗ trợ và hướng dẫn bởi khoa học về biến đổi khí hậu. Bằng cách trao quyền cho thanh niên, Việt Nam có thể mở ra những tiềm năng mới để thực hiện Thỏa thuận Paris và Đóng góp do quốc gia tự quyết định cho Việt Nam trong tương lai.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, chia sẻ đoàn thanh niên mong muốn đưa ra những sáng kiến sáng tạo mới có thể thu hút sự tham gia đông đảo của thanh niên và tạo động lực cho thanh niên ứng phó với biến đổi khí hậu như một phần của nhận thức về bản thân và lối sống của họ.

Nhân dịp này, các bạn trẻ đã trình bày những phát hiện chính của Báo cáo đặc biệt “Thanh niên hành động vì khí hậu ở Việt Nam.” Đây là báo cáo đầu tiên do 20 thanh niên xuất sắc thực hiện tại Trại viết quốc gia được tổ chức vào tháng 12/2020.

Các tác giả được lựa chọn dựa trên thành tích xuất sắc của họ trong ba cuộc tham vấn Diễn đàn thanh niên hành động vì khí hậu tại 3 miền Bắc, Trung, Nam từ tháng 7 đến tháng 11/2020.

Bản báo cáo đặc biệt mô tả những trở ngại mà giới trẻ đã phải đối mặt trong việc thực hiện hành động vì khí hậu cũng như những động lực mà họ xác định để theo dõi nhanh những đóng góp của mình trong quá trình chuyển đổi sang một Việt Nam xanh hơn và carbon thấp trong bốn chủ đề chính: giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; thích ứng với biến đổi khí hậu; giải pháp dựa vào thiên nhiên; chính sách khí hậu.

Bạn Mai Hoàng, Trưởng nhóm báo cáo, mong muốn báo cáo sẽ được chia sẻ rộng rãi với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục