Điện gió ngoài khơi có gặp rào cản trong kết nối truyền tải điện?

Các dự án điện gió ngoài khơi có gặp rào cản trong kết nối với hệ thống truyền tải điện quốc gia ở cấp điện áp 220kV hoặc 500kV như dự án điện Mặt Trời, điện gió trên bờ gặp phải thời gian qua?
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Điện gió ngoài khơi được đánh giá là có thể phát triển với quy mô và công suất lớn hơn nhiều so với các dự án năng lượng tái tạo khác, cùng đó là tính ổn định hệ thống, số giờ phát cao hơn.

Tuy nhiên, liệu các dự án điện gió ngoài khơi có gặp vấn đề, khó khăn trong kết nối với hệ thống truyền tải điện quốc gia ở cấp điện áp 220kV hoặc 500kV như các dự án điện Mặt Trời, điện gió trên bờ gặp phải thời gian qua?

Lợi thế của điện gió ngoài khơi

Theo đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, thời gian qua, nhiều dự án điện năng lượng tái tạo đã gặp rào cản do nghẽn lưới, lưới điện đầy tải... Khi đấu nối một dự án năng lượng tái tạo vào lưới điện thường cần một quỹ đất lớn, ví dụ như dự án điện Mặt Trời hoặc điện gió trên bờ.

Song, khi so sánh với điện gió ngoài khơi, các dự án này có sản lượng điện nhỏ hơn, ngoài ra, phần lớn cơ sở hạ tầng của điện gió ngoài khơi nằm ở một khoảng cách khá xa so với bờ biển gồm tuabin gió, móng trụ, trạm biến áp, cáp chôn... đều nằm ngoài khơi, giúp giảm thiểu các cơ sở hạ tầng trên bờ chỉ phục vụ cho việc truyền tải.

Hạn chế về đất đai là một trong những ưu tiên chính cần được xem xét và quản lý cẩn thận khi phát triển các dự án năng lượng tái tạo để đảm bảo việc đấu nối đúng thời hạn và tránh xung đột về sử dụng cũng như phân loại quỹ đất hoặc đất đang nằm trong quy hoạch.

[Bộ Công Thương: Rà soát dự án điện Mặt Trời, điện gió, thủy điện]

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, điện gió trên bờ và điện Mặt Trời thường gặp những hạn chế từ địa hình, địa thế khi lắp đặt và vận hành, ví dụ như hướng Mặt Trời, nền đá cứng, lối vào... có thể ảnh hưởng đến vị trí thi công dự án, làm gia tăng rủi ro ở các khía cạnh khác như sự ổn định nền đất và xung đột với cộng đồng quanh khu vực dự án.

Đánh giá của Hiệp hội Năng lượng sạch cũng cho hay với các dự án năng lượng tái tạo, việc kết nối lưới điện rất quan trọng và với các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn, cơ sở hạ tầng phù hợp là rất cần thiết. Nhiều dự án điện gió trên bờ và điện Mặt Trời thường có hệ số công suất hàng năm thấp. Các dự án này, với quy mô vừa và nhỏ, thường xuyên được đấu nối vào lưới điện quốc gia ở cấp điện áp thấp, 220kV và 110kV trở xuống nên cũng đóng góp công suất nhỏ hơn vào lưới điện. Điện gió ngoài khơi có thể cung cấp hệ số công suất hàng năm lớn hơn nhiều và có thể kết nối ở điện áp cao hơn 220kV, 500kV.

Đơn cử như Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại tỉnh Bình Thuận, dự kiến sẽ sản xuất tổng công suất 3.500MW sau khi đi vào vận hành hoàn chỉnh. Dự án này tương đương việc cung cấp điện cho hơn 7 triệu hộ gia đình Việt hàng năm. Việc đấu nối các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn như vậy có nhiều lợi thế hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo  khác, do tránh được nhiều hạn chế đáng kể mà các dự án năng lượng tái tạo trên bờ đang gặp phải, chẳng hạn như yêu cầu diện tích đất đai rất lớn, tác động cảnh quan và tầm mắt, tiếng ồn/độ rung trong quá trình xây dựng và vận hành...

Theo chia sẻ của đại diện Công ty Điện gió Lagan, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết về việc cho phép khối tư nhân đầu tư lưới truyền tải điện. Nếu có quy định rõ ràng hơn, các nhà phát triển dự án có thể cân nhắc việc đầu tư toàn bộ hoặc một phần vào xây dựng đường dây/nâng cấp lưới điện với sự hợp tác chặt chẽ với đơn vị vận hành để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo các dự án có thể được thực hiện đúng thời hạn.

Sự chậm trễ trong xây dựng và kết nối lưới điện, tính bất định trong việc bắt buộc cắt giảm công suất phát do cơ sở hạ tầng và quản lý nhu cầu chưa đủ đáp ứng có thể trở thành rủi ro lớn đối với nhà phát triển, khiến họ trì hoãn cam kết cho đến khi có thêm sự chắc chắn trong quá trình thực hiện.

Thời gian qua, việc nhiều dự án năng lượng tái tạo tập trung ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Nguyên..., vốn có nhu cầu phụ tải tại chỗ thấp, đã dẫn đến tình trạng thừa công suất và tắc nghẽn (đặc biệt là vào thời gian thấp điểm). Điều này tạo áp lực cho đơn vị vận hành, thậm chí phải cắt giảm công suất, khi công suất phát vượt quá nhu cầu buộc đơn vị vận hành cắt giảm hoặc ngừng phát điện.

Một nhà máy điện Mặt Trời ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, mới được đưa vận hành trong năm 2019. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Mức độ cắt giảm cao gây ra nhiều lo ngại đối với sự phát triển của các dự án năng lượng tái tạo mới có tính khả thi về mặt thương mại. Đại diện Lagan cho hay nếu đạt được thỏa thuận về việc thiết lập công suất cụ thể và giá cố định giữa nhà phát triển điện gió ngoài khơi và đơn vị vận hành lưới điện/cơ quan Nhà nước liên quan một dự án có thể được thiết kế để cung cấp công suất khả dụng cao và có quy chế vận hành riêng.

Lời giải từ điện gió ngoài khơi

Theo các chuyên gia năng lượng, thông thường, điểm đấu nối của một dự án điện gió ngoài khơi được đặt càng gần với điểm kết nối lưới điện trên bờ càng tốt. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được và chiều dài cáp trên bờ tính từ nơi tiếp xúc đất liền cho đến trạm biến áp trên bờ có thể khá lớn.

Để khắc phục vấn đề này, các nhà phát triển có kinh nghiệm có thể xem xét đầu tư xây dựng/nâng cấp một phần của hệ thống truyền tải điện cao thế. Điều này có thể đảm bảo việc nâng cấp kịp thời và hiệu quả hơn để nâng cao khả năng truyền tải của lưới điện khu vực, củng cố hệ thống, giảm thiểu rủi ro và tránh việc cắt giảm điện.

Ông Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch cho hay, so với gió trên bờ, chất lượng và độ ổn định của gió ngoài khơi thường tốt hơn, đặc biệt là ở khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận - nơi mà nguồn tài nguyên gió ngoài khơi được đánh giá là có chất lượng tốt hơn so với gió trên bờ. Các tuabin gió có kích thước lớn hơn giúp dự án điện gió ngoài khơi đạt được hệ số công suất hàng năm cao vượt trội.

Ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của COP tại Việt Nam, Tổng giám đốc dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho hay các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn có thể tạo ra một lượng điện năng đáng kể với tỷ lệ khả dụng cao hơn so với các dạng năng lượng tái tạo trên bờ khác. Việc tăng cường sản xuất năng lượng từ gió ngoài khơi, và hướng tới kích thích phát triển kinh tế cho địa phương và đất nước, cần được hỗ trợ bằng việc nâng cấp lưới điện và cần được cân nhắc kỹ lưỡng từ sớm. Cần có kế hoạch chiến lược cụ thể và mức tài trợ thích hợp để cho phép hỗ trợ năng lượng nhiều hơn.

Hiện nay, nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính toàn cầu đã ưu tiên cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Do đó, đối với các nhà phát triển giàu kinh nghiệm và có năng lực, việc huy động vốn sẽ thuận lợi hơn trong xu thế chung của toàn cầu nhằm mục tiêu giảm khí thải. Các quốc gia mà ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đã phát triển cho thấy mức độ đầu tư cao vào công nghệ của ngành này.

Trên toàn cầu, ngày càng có nhiều cam kết nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon bằng cách thúc đẩy năng lượng tái tạo. Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP 26 về việc đạt phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được nếu có các khuôn khổ pháp lý và chính sách hỗ trợ phù hợp.

"Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn 3.500MW có thể đóng góp đáng kể vào việc này, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế thông qua việc sử dụng các nhà cung cấp và nguồn lực trong nước, nâng tỷ lệ nội địa hóa và tăng khả năng tham gia sâu hơn vào ngành này của các doanh nghiệp Việt Nam," ông Stuart Livesey nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục