Điều còn thiếu trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, phá vỡ kỷ lục 2.886 ngày của cựu Thủ tướng Taro Katsura.
Shinzo Abe trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. (Ảnh: Getty Images)
Shinzo Abe trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. (Ảnh: Getty Images)

Sau ngày 20/11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, phá vỡ kỷ lục 2.886 ngày của cựu Thủ tướng Taro Katsura.

Khi chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên toàn thế giới, nhiệm kỳ dài mà ông Abe đạt được đồng nghĩa với việc chính quyền của ông đã thực hiện được các chính sách ổn định.

Tình trạng chính trị ổn định của Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - cũng mang lại ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ hệ thống thương mại tự do đa phương của thế giới.

Sự ổn định của chính quyền Abe không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhiệm kỳ của ông được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản. Bằng cách phân tích mối quan hệ giữa thời hạn nhiệm kỳ thủ tướng Nhật Bản và nền kinh tế của đất nước sau Chiến tranh Thế giới II, có thể dễ dàng kết luận rằng độ dài của nhiệm kỳ thủ tướng tỷ lệ thuận với động lực của nền kinh tế.

Chẳng hạn, trong chính quyền của cựu Thủ tướng Eisaku Sato - thủ tướng phục vụ lâu thứ ba của Nhật Bản - từ năm 1964 đến năm 1972, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của nền kinh tế đạt khoảng 10%.

Trong chính quyền của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi - thủ tướng phục vụ lâu thứ sáu của Nhật Bản - từ năm 2001 đến 2006, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là khoảng 1,4%. Ngược lại, trong suốt 10 năm từ 1991 đến 2001 - còn được gọi là "thập kỷ mất mát" của nền kinh tế Nhật Bản - Nhật Bản đã thay đổi đến 9 thủ tướng.

Mặc dù các chính sách kinh tế do ông Abe đề xướng, được gọi là Abenomics, vẫn còn gây tranh cãi ở Nhật Bản, song sự cải thiện liên tục của môi trường kinh tế Nhật Bản là một thực tế không thể chối cãi.

Theo báo cáo kinh tế hàng tháng của Chính phủ Nhật Bản công bố hồi tháng 1/2019, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong 74 tháng từ tháng 12/2012 đến tháng 1/2019.

Điều còn thiếu trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ảnh 1Kinh tế Nhật Bản thay đổi dưới thời ông Abe. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, sự mất giá của đồng yên trong dài hạn không chỉ thúc đẩy xuất khẩu của Nhật Bản mà còn thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài đến nước này, kích thích nền kinh tế Nhật Bản.

Một liên minh Nhật-Mỹ ngày càng mạnh mẽ cũng đã góp phần kéo dài “tuổi thọ” của chính quyền Abe. Liên minh Nhật-Mỹ là trục chính của ngoại giao Nhật Bản thời hậu chiến, và tình trạng của liên minh có phần liên quan đến thời hạn của nhiệm kỳ thủ tướng.

Chẳng hạn, việc cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuhiro Nakasone (nhiệm kỳ 1982-1987) có quan hệ thân thiết với Tổng thống Mỹ lúc đó là Ronald Reagan đã giúp đưa quan hệ Nhật-Mỹ lên một tầm cao mới.

Ngược lại, chính quyền cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama (nhiệm kỳ 2009-2010) đã kết thúc nhanh chóng vì có tranh chấp với Washington về việc di dời các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản.

Kể từ khi ông Abe tái đắc cử thủ tướng vào cuối năm 2012, ông đã kết giao với các chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Dưới thời chính quyền Obama, ông Abe đã chủ động hợp tác với sự tái cân bằng của Mỹ đối với chiến lược châu Á-Thái Bình Dương và tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cố gắng phục hồi liên minh bị thiệt hại trong thời kỳ cai trị của Đảng Dân chủ Nhật Bản.

Dưới thời chính quyền Trump, ông Abe đã cố gắng củng cố liên minh bằng cách phát triển tình bạn cá nhân với ông Trump để phần nào bù đắp cho thiệt hại gây ra bởi mức thâm hụt thương mại ngày càng tồi tệ.

Thật vậy, trở thành thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, ông Abe xứng đáng được ca ngợi. Tuy nhiên, một chính quyền phải được đánh giá không chỉ bởi độ dài của nhiệm kỳ mà còn bởi những gì chính quyền đó thực sự đạt được.

Trong lịch sử Nhật Bản thời hậu chiến, có một truyền thống rằng mọi nội các nên có một thành tựu chính trị để gia tăng uy tín.

Chẳng hạn, dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Hayato Ikeda (nhiệm kỳ 1960-1964) là Kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập năm 1960, dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Eisaku Sato (nhiệm kỳ 1964-1972) là việc Nhật Bản giành được quyền kiểm soát đảo Okinawa từ tay Mỹ, và dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Kakuei Tanaka (nhiệm kỳ 1972-1974) là việc bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật vào năm 1972.

Tuy nhiên, chính quyền Abe vẫn chưa đạt được những thành tựu ấn tượng trong nhiệm kỳ của mình. Cải cách hiến pháp vấp phải những khó khăn khi người Nhật chống lại việc sửa đổi Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản. Chính sách Abenomics chỉ giúp một số người Nhật giàu có và không thể thoát khỏi sự giảm phát.

Về mặt ngoại giao, bình thường hóa quan hệ Nhật Bản-Triều Tiên, đồng ý một hiệp ước hòa bình với Nga và giải quyết các vấn đề lãnh thổ sẽ được coi là thành tựu ngoại giao lớn đối với ông Abe. Tuy nhiên, mối quan hệ Nhật Bản-Triều Tiên hiện tại còn lâu mới ấm áp mặc dù ông Abe đã nỗ lực cải thiện chúng.

Nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Abe sẽ kết thúc vào năm 2021. Do các vấn đề nội bộ và ngoại giao nói trên không thể được giải quyết trong một thời gian ngắn nên hai năm tới có vẻ đặc biệt quan trọng đối với ông Abe. Suy cho cùng, đối với ông Abe, những thành tựu chính trị quan trọng hơn danh hiệu thủ tướng tại nhiệm lâu nhất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.