Điều gì khiến Indonesia có thể trở thành 'thế lực kinh tế mới'?

Lạm phát hạ nhiệt sớm hơn dự kiến, thu hút lượng vốn FDI cao kỷ lục, và đặc biệt những kỳ vọng vào dự án thủ đô mới trên đảo Borneo khiến Indonesia lạc quan họ có thể bắt kịp Trung Quốc và Ấn Độ.
Một góc tỉnh Trung Kalimantan trên đảo Borneo, nơi được chọn để xây dựng thủ đô mới của Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan mới đây khẳng định rằng quốc gia Đông Nam Á này có thể bắt kịp Trung Quốc và Ấn Độ để trở thành một “thế lực kinh tế mới” trong 5 năm tới.

Tuy nhiên, trước đây, Indonesia được gắn nhãn là một trong 5 thị trường mới nổi mong manh nhất.

Nền kinh tế nước này rất dễ bị tổn thương trước xu hướng chuyển dịch của các dòng vốn quốc tế, khiến giá trị đồng nội tệ rupiah sụt giảm bất cứ khi nào lãi suất toàn cầu tăng.

Vậy điều gì khiến quan chức Indonesia lại tự tin phát biểu như vậy?

Kỳ vọng vào thủ đô mới

Chính quyền Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang nỗ lực đầu tư vào một dự án quan trọng: Mở rộng diện tích của thủ đô Jakarta, bao gồm thủ đô mới Nusantara trên đảo Borneo. Ông Jokowi hy vọng dự án sẽ đi vào hoạt động trong năm 2045.

Nằm cách Jakarta 2.000km về phía Đông Bắc, thủ đô mới của Indonesia được xây dựng thủ đô mới từ giữa năm 2022.

Giới chức Indonesia chủ trương tạo ra một thành phố xanh tương lai với điểm nhấn là rừng, công viên, sản xuất lương thực bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải thông minh và các tòa nhà xanh.

[Indonesia phê duyệt bổ sung 1 tỷ USD đẩy nhanh xây dựng thủ đô mới]

Chính phủ Indonesia từng mô tả với những văn phòng sang trọng, hệ thống xe buýt điện và những cư dân làm việc hiệu quả về kinh tế, Nusantara là một đô thị hiện đại tinh túy nằm giữa một khu rừng nhiệt đới rộng lớn.

Hiện Indonesia đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ quan hành chính quan trọng của thủ đô, bao gồm dinh tổng thống và các tòa nhà của các bộ chủ chốt, với mục tiêu ít nhất 16.000 công chức, quân đội và cảnh sát sẽ chuyển đến đây vào năm tới.

Mới đây, giới chức thủ đô mới của Indonesia Nusantara (IKN) thông báo có hai doanh nghiệp của Singapore đã chính thức ký thỏa thuận đầu tư vào IKN.

Phó Cơ quan Quản lý Tài chính và Đầu tư của IKN, ông Agung Wicaksono, ngày 12/6 cho hay: “NDA là một giai đoạn ban đầu quan trọng để tiến hành nghiên cứu khả thi (FS) việc đầu tư vào IKN. Giai đoạn tiếp theo các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiến hành nghiên cứu chi tiết từng hạng mục, khu vực sẽ giải ngân.”

Ngoài ra, Indonesia cũng đang cố gắng thuyết phục các công ty Pháp đầu tư vào dự án thủ đô mới, đặc biệt là trong những dự án sử dụng hỗn hợp.

Cũng trong ngày 12/6, Cơ quan quản lý IKN Nusantara đã đưa Đại sứ Pháp tại Indonesia Fabien Penone và khoảng 20 doanh nghiệp Pháp hoạt động trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, công nghệ thành phố thông minh, vật liệu thân thiện với môi trường… tới thăm đại dự án nêu trên.

Không những thế, thủ đô mới của Indonesia Nusantara có thể sẽ là điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai.

Chuyên gia Azril Azahari của Hiệp hội Học giả Du lịch Indonesia (ICPI) cho rằng khu vực thủ đô mới Nusantara ở Đông Kalimantan có những đặc điểm riêng biệt để phát triển du lịch.

Theo ông Azril, “đất đai ở Kalimantan rất ít vì có nhiều đất than bùn. Nhưng điểm thuận lợi đó là sự cân bằng tự nhiên với những khu rừng nhiệt đới mà hệ thực vật và động vật có thể sống trên vùng đất cận biên này.”

Vùng đất này có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sức khỏe bao gồm du lịch chữa bệnh, du lịch phục hồi chức năng, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch người già hoặc người cao tuổi.

Tuy nhiên, tất cả những điều trên vẫn chưa phải là kỳ vọng chính của Chính quyền Tổng thống Widodo về thủ đô mới.

Theo tờ Nikkei, Tổng thống Widodo muốn biến Nusantara trở thành một trung tâm fintech hàng đầu châu Á, bằng cách thu hút các công ty công nghệ tài chính và các công ty khởi nghiệp.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11/2022, Tổng thống Widodo tiết lộ: "Chúng tôi sẽ xây dựng một trung tâm tài chính ở Nusantara, nhưng không giống như ở Singapore hay Hong Kong. Đây sẽ là một trung tâm công nghệ tài chính, chúng tôi cũng sẽ cung cấp các ưu đãi về đầu tư cạnh tranh ở đó."

Để hiện thực hóa kỳ vọng trên, Chính phủ Indonesia đang nghiên cứu các chính sách để thu hút các công ty Fintech đầu tư vào thủ đô mới, chẳng hạn như miễn thuế doanh nghiệp cho các ngân hàng và các công ty bảo hiểm, cũng như các công ty tài chính của Hồi giáo.

Không những thế, Chính phủ Indonesia còn cân nhắc miễn trừ thuế thu thập của người lao động trong lĩnh vực tài chính đến năm 2032 và sau đó sẽ giảm thuế 50%. Việc giảm thuế cũng được áp dụng cho người lao động nước ngoài.

Với những hành động quyết liệt như vậy, chính quyền Tổng thống Widodo kỳ vọng thủ đô mới sẽ không chỉ là trung tâm chính trị và hành chính của quốc gia mà còn là trung tâm kinh tế và tài chính chủ đạo của châu Á.

Lạm phát tại Indonesia "hạ nhiệt" sớm hơn dự kiến

Trong khi cả thế giới đang phải chịu sự hoành hành của "cơn bão lạm phát," thì mới đây ngày 5/6, BPS - Tổng cục Thống kê Indonesia lại vui mừng thông báo tỷ lệ lạm phát của nước này đã giảm xuống còn 4% trong tháng 5/2023, bằng giới hạn trên trong mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương (BI) và sớm hơn dự kiến của cơ quan này.

Đồng tiền rupiah của Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã cao hơn phạm vi mục tiêu từ 2 - 4% của Ngân hàng Trung ương Indonesia kể từ tháng 6/2022, do áp lực từ giá lương thực và năng lượng toàn cầu tăng cao.

Từng đạt đỉnh gần 6% hồi tháng Chín năm ngoái, lạm phát tại Indonesia đã giảm dần sau khi BI tăng lãi suất điều hành thêm tổng cộng 225 điểm cơ bản. Trước đó, kết quả thăm dò cho thấy lạm phát tháng Năm của Indonesia có thể xuống 4,22%, thấp hơn mức 4,33% hồi tháng Tư.

Tỷ lệ lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực thường xuyên biến động) đã giảm từ mức 2,83% một tháng trước đó xuống 2,66% trong tháng Năm, thấp hơn mức dự báo là 2,8%.

Tại cuộc họp chính sách gần đây nhất, BI đã bày tỏ kỳ vọng rằng tỷ lệ lạm phát sẽ giảm xuống mức mục tiêu trong quý 3 năm nay, trong khi lạm phát cơ bản được duy trì trong mức mục tiêu 2-4% trong suốt cả năm.

Indonesia thu hút lượng vốn FDI cao kỷ lục trong năm 2022

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của các nước đang phát triển và Indonesia cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó với những thành tựu nổi bật.

Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Indonesia đã đạt 45,6 tỷ USD trong năm 2022, mức cao nhất trong lịch sử của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này và cũng là mức tăng trưởng FDI cao nhất thế giới.

Kết quả này có được là nhờ vào sự ổn định chính trị và các chính sách hỗ trợ của chính phủ dưới thời Tổng thống Joko Widodo.

Ông Bahlil cho biết thêm tổng vốn đầu tư trong và ngoài nước đã đạt 1.207.000 tỷ Rupiah (84,1 tỷ USD theo tỷ giá ấn định 14.350 Rupiah/USD trong ngân sách nhà nước năm 2022), tăng 34% so với năm 2021 và vượt mục tiêu mà Tổng thống Widodo đặt ra là 1.200.000 tỷ Rupiah.

Các ngành công nghiệp kim loại, máy móc và thiết bị nhận được phần vốn FDI lớn nhất, lên tới 10,96 tỷ USD. Lĩnh vực khai khoáng đứng thứ hai với 5,1 tỷ USD, tiếp đó là hóa chất và dược phẩm (4,5 tỷ USD), vận tải và viễn thông (4,1 tỷ USD), cung ứng điện, khí đốt và nước sạch (3,8 tỷ USD), bất động sản (3 tỷ USD)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục