Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Cục này đã nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ về biện pháp tự vệ thương mại đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Vì thế, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy trình pháp luật.
Trước đó, ngày 18/7/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam (SG04).
Thời hạn áp dụng biện pháp là 4 năm kể từ ngày 22/3/2016-21/3/2020 (nếu không gia hạn).
Do đó, ngày 31/5, Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra), Bộ Công Thương đã đăng thông báo công khai về việc đề nghị các doanh nghiệp có yêu cầu rà soát cuối kỳ biện pháp nộp hồ sơ.
[Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tác động hai mặt tới ngành thép]
Ngày 1/7 vừa qua, các nhà sản xuất trong nước (Bên yêu cầu) đã có hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với phôi thép và thép dài (ER01.SG04).
Bên yêu cầu gồm 4 công ty gồm Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương, Công ty cổ phần Thép Miền Nam, Công ty cổ phần Thép Thủ Đức và Công ty cổ phần Thép Biên Hòa.
Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, đến ngày 10/7, Cơ quan điều tra đã có công văn đề nghị bên yêu cầu nộp bổ sung hồ sơ theo quy định.
Ngày 22/7, bên yêu cầu đã nộp thông tin bổ sung theo yêu cầu và đến ngày 6/8, Cơ quan điều tra xác nhận hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định.
Cũng theo Cục Phòng vệ thương mại, trong thời hạn 30 ngày từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét tiến hành điều tra hoặc không tiến hành điều tra vụ việc rà soát cuối kỳ.
Nội dung thẩm định Hồ sơ tập trung vào việc xác định dấu hiệu gia tăng của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam kể từ khi biện pháp tự vệ được áp dụng; thông tin về tình trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành sản xuất trong nước kể từ khi biện pháp tự vệ được áp dụng; thông tin về điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước kể từ khi biện pháp tự vệ được áp dụng; khả năng ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc bị đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng nếu chấm dứt việc áp dụng biện pháp tự vệ.
Để phục vụ việc thẩm định cũng như đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, Cơ quan điều tra đề nghị các doanh nghiệp trong nước sản xuất, kinh doanh hàng hóa tương tự, hàng hoá cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nêu trên cung cấp các thông tin về doanh nghiệp; công suất thiết kế và sản lượng của phôi thép và thép dài trong các năm 2016, 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019; ý kiến của công ty về vụ việc (đồng ý, phản đối, không có ý kiến) hoặc bất kỳ tài liệu/chứng cứ nào khác mà công ty cho rằng liên quan đến vụ việc.
Thời hạn cung cấp các thông tin nêu trên là ngày 15/8/2019./.