Điều tra vụ nhóm người vô cớ xô đổ nhà của hai cụ già neo đơn

Mới dựng được khung nhà để thay thế cho căn lều canh rẫy của hai cụ già neo đơn bị mục nát, có nguy cơ đổ sập, thì một nhóm người tới xô đổ mà không nói lý do.
Vợ chồng cụ Mãnh sống qua ngày trong căn lều canh rãy nhiều năm qua. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Ngày 6/4, Công an xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết đã lập hồ sơ vụ việc một nhóm người vô cớ xô đổ căn nhà của hai vợ chồng cụ Võ Văn Mãnh, 81 tuổi ở thôn Tân Phú, xã Ninh Gia và chuyển tới cơ quan điều tra Công an huyện Đức Trọng.

Đáng chú ý, hai vợ chồng cụ Võ Văn Mãnh là người già neo đơn, không nơi nương tựa, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phải sống nhờ vào sự bao bọc của những người trong thôn nhiều năm qua.

Theo thông tin ban đầu, ngày 18/3/2022, ông Lương Hoàng Siêu, trú tại thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) dẫn theo một nhóm người cầm theo dao rựa tới nhà cụ Võ Văn Mãnh ở thôn Tân Phú, xã Ninh Gia.

Ông Siêu yêu cầu cụ Mãnh phải dỡ bỏ ngôi nhà gỗ đang dựng, mới hoàn thành phần khung, chuẩn bị lợp mái.

Do cụ Mãnh không chấp nhận và cùng vợ là cụ Nguyễn Thị Sánh, sinh năm 1941 ra ngăn cản, nên nhóm người đi theo ông Siêu đã xô ngã hai cụ và xô đổ căn nhà trên.

Cụ Võ Văn Mãnh cho biết trước đây, gia đình cụ sống tại xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà. Do con trai cụ thế chấp nhà, đất để làm ăn và vỡ nợ, nên bị ngân hàng thu hồi nhà căn nhà duy nhất, hai cụ phải vào thôn Tân Phú sinh sống.

Con trai cụ vì vỡ nợ đã bỏ đi biệt tích, chỉ còn hai cụ sống với nhau. Cụ bà bị bệnh kinh niên, đi lại khó khăn, chỉ cụ ông còn khỏe, phải đi làm thuê để sống qua ngày.

Đến đầu năm 2020, ông Lương Hoàng Siêu đã nhượng lại cho cụ 2.000m2 đất với giá 10 triệu đồng (gọi là nhượng lại công khai phá vì đất chưa có sổ đỏ), hai bên đã làm giấy chuyển nhượng.

Trong giấy sang nhượng, ông Siêu ghi rõ: “Nếu ai đến tranh chấp, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm.”

Hai cụ sống trong căn lều canh rẫy được hai năm thì căn lều trên mục nát, có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.

Thấy hoàn cảnh như vậy, những người hàng xóm đều là những nông dân nghèo đã chung tay hỗ trợ cây gỗ, tôn lợp và mấy bao ximăng để láng nền.

Khi khung nhà dựng xong, bỗng nhiên ông Lương Hoàng Siêu dẫn một nhóm người tới không cho dựng nhà mà không hề nói lý do, rồi xảy ra sự việc trên.

Ông Phạm Văn Hạnh, 74 tuổi, trú tại thôn Tân Phú cho biết mảnh đất này trước đây do ông khai phá. Sau đó, ông cho Đoàn Thanh niên xã Ninh Gia mượn để sản xuất gây quỹ.

[Lâm Đồng bắt quả tang 5 đối tượng chặt phá rừng phòng hộ]

Đến năm 1991, Đoàn Thanh niên xã trả lại nên đến năm 1992 ông cho ông Lương Hoàng Siêu 4 sào (4.000m2) để canh tác. Đến năm 2020, ông Lương Hoàng Siêu bán 2 sào cho cụ Võ Văn Mãnh, 2 sào còn lại đã bán hoặc tặng cho ai đó ông cũng không rõ.

Ông Hạnh rất bức xúc trước sự việc trên, vì mảnh đất này đã sang nhượng có làm giấy tờ viết tay. Nay không hiểu lý do gì mà nhóm người trên lại tới hành hung và xô đổ căn nhà của cụ Mãnh.

Theo bà Vũ Thị Phượng, 57 tuổi là hàng xóm của cụ Mãnh, hai vợ chồng cụ sống ở đây mấy năm nay rất cực khổ. Bà con trong thôn cũng nghèo, chỉ chạy qua chạy lại, giúp hai cụ rau bữa cháo qua ngày.

Tiền mua mảnh đất trên cũng do bà con cho hai cụ mượn, đến giờ còn chưa trả hết. Năm nay thấy căn lều của hai cụ sắp bị sập, nên mỗi nhà giúp một ít cây, vật liệu xây dựng và qua làm giúp.

Mới dựng được khung nhà lên thì bị mấy người kia tới xô đổ mà không nói lý do. Bà con rất bức xúc, đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xử lý hành vi này để giữ gìn an ninh trong khu vực.

Ngôi nhà mới dựng của cụ Mãnh chưa kịp lợp đã bị xô đổ. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Bà con cũng mong muốn chính quyền địa phương và những nhà hảo tâm hỗ trợ giúp đỡ, để gia đình cụ Mãnh có được một ngôi nhà sống an toàn qua mùa mưa bão này.

Được biết trước đó, cụ Mãnh có làm đơn tới Công an huyện Đức Trọng, nhưng bị trả lại do nộp đơn vượt quá thẩm quyền.

Sau đó, cụ đã gửi đơn tới Công an xã Ninh Gia và được thụ lý vụ việc, lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra Công an huyện Đức Trọng đề nghị xử lý hành vi hủy hoại tài sản công dân.

Tân Phú là thôn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh Lâm Đồng. Rất ít gia đình còn “cầm cự” ở lại đây vì không có điện và nước sạch. Đường giao thông đi lại khó khăn cho nên bà con đã bỏ đi khá nhiều.

Phần lớn con em trong thôn chỉ học hết cấp 1 rồi bỏ học, bà con không ở lại thôn được nên bỏ lên rẫy dựng nhà tạm hoặc di dời đi nơi khác.

Mới đây, do có dự án làm đường chạy qua thôn nên đất đai tại khu vực này bắt đầu có giá trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục