Đình chỉ hoạt động của Quốc hội Syria trong thời gian chuyển giao quyền lực

Một cuộc họp về chuyển giao quyền lực sẽ tổ chức vào ngày 17/12, giữa các bộ trưởng thời chính quyền Tổng thống Assad và các thành phần chủ chốt của lực lượng đối lập.

Người dân Syria trở về quê hương qua cửa khẩu biên giới Cilvegozu ở Reyhanli, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân Syria trở về quê hương qua cửa khẩu biên giới Cilvegozu ở Reyhanli, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Người phát ngôn chính phủ chuyển tiếp Syria Obaida Arnaout ngày 12/12 cho biết hoạt động của Quốc hội và việc thực hiện các quy định theo Hiến pháp của đất nước sẽ bị tạm đình chỉ trong thời gian chuyển giao quyền lực kéo dài 3 tháng.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Syria bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực sau khi lực lượng đối lập tuyên bố nắm quyền kiểm soát quốc gia Trung Đông này, sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Theo người phát ngôn này, một ủy ban tư pháp và nhân quyền sẽ được thành lập để xem xét Hiến pháp và sau đó đưa ra các sửa đổi. Hiến pháp hiện hành của Syria có hiệu lực từ năm 2012 và không nêu rõ Hồi giáo là quốc giáo.

Theo ông Arnaout, một cuộc họp về chuyển giao quyền lực sẽ được tổ chức vào ngày 17/12, giữa các bộ trưởng thời chính quyền Tổng thống Assad và các thành phần chủ chốt trong chính phủ chuyển tiếp của lực lượng đối lập. Hôm 10/12, phe đối lập chỉ định ông Mohammed al-Bashir làm Thủ tướng lâm thời tới ngày 1/3/2025.

Ông Arnaout nói thêm rằng giai đoạn chuyển giao quyền lực sẽ kéo dài 3 tháng, trong đó ưu tiên là duy trì và bảo vệ các thể chế.

Liên quan đến tình hình ở Syria, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Quốc vương Abdullah II của Jordan đã nhất trí ủng hộ việc thiết lập một "tiến trình chính trị toàn diện" ở quốc gia Trung Đông này.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn thông báo mà người phát ngôn viên của Chính phủ Đức đưa ra ngày 12/12 cho biết hai bên đạt được đồng thuận như vậy tại cuộc điện đàm diễn ra cùng ngày.

Thông báo nêu rõ cả Thủ tướng Đức và Quốc vương Jordan đều đồng ý rằng một tiến trình chính trị toàn diện ở Syria hiện rất quan trọng và quá trình chuyển đổi cần được hỗ trợ. Cả nhà lãnh đạo đều coi trọng việc bảo vệ các nhóm sắc tộc và tôn giáo thiểu số.

Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ phủ của khu vực của người Kurd ở phía Bắc Iraq, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết Berlin đang thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và chính quyền người Kurd ở Iraq về các diễn biến ở Syria.

Bộ trưởng Pistorius cho biết Đức sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ cho khu vực người Kurd ở phía Bắc Iraq trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Jordan kêu gọi chấm dứt xung đột tại Dải Gaza

Quốc vương Jordan cho rằng bước đầu tiên hướng tới việc đạt được hòa bình ở Trung Đông là chấm dứt xung đột ở Dải Gaza, đồng thời tái khẳng định giải pháp 2 nhà nước là cách để giải quyết xung đột.