Trong ngày đình công thứ hai (21/3) của nhân viên kiểm soát không lưu tại Pháp, các sân bay của nước này đã phải hủy 1/3 số chuyến bay trong ngày.
Theo hãng hàng không giá rẻ Ryanair, đây là cuộc đình công thứ 41 của nhân viên kiểm soát không lưu Pháp kể từ năm 2009.
Giới chức Pháp đã yêu cầu các hãng hàng không nước này hủy 1/3 số chuyến bay tại sân bay Orly và sân bay Marseille, 20% số chuyến bay tại sân bay Lyon, Nice và Beauvais gần Paris. Nghiệp đoàn Kiểm soát không lưu, đại diện cho khoảng 1/5 số nhân viên kiểm soát không lưu tại Pháp, đang vận động chống lại kế hoạch cắt giảm việc làm và thiếu đầu tư vào công nghệ mới của chính quyền.
Trước đó, khoảng 140 hành khách đã phải qua đêm tại sân bay Orly ở Paris do sân bay này đã phải hủy một nửa số chuyến bay trong ngày đình công đầu tiên (20/3). Hãng EasyJet thì tuyên bố đã hủy 90 chuyến bay và tình trạng này có thể tiếp diễn. Trong khi đó, hãng hàng không Air France cho biết sân bay Charles De Gaulle trước đó được cho là không phải hủy chuyến, nhưng việc hoãn các chuyến bay có thể xảy ra.
Theo Công ty Hàng không Paris, các cuộc đình công của nhân viên kiểm soát không lưu Pháp kéo dài trong hai ngày 20- 21/3 và chỉ gây ảnh hưởng đến các chuyến bay nội địa. Đây là cuộc đình công thứ 2 tại Pháp trong tháng này. Trước đó, ngày 9/3, nhiều cuộc đình công đã diễn ra trên toàn nước Pháp, đáng chú ý là cuộc đình công của nhân viên đường sắt do những bất đồng về chế độ lương khiến nhiều hoạt động giao thông bị đình trệ.
Các cuộc biểu tình nhằm phản đối những biện pháp cải cách luật lao động mới mà Bộ Lao động vừa đưa ra trong nỗ lực góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức trên 10% của quốc gia này. Tuy nhiên, những biện pháp cải cách đã gây ra nhiều mâu thuẫn ngay trong nội bộ chính phủ và gia tăng căng thẳng tại quốc gia vốn đã quen với chế độ an sinh việc làm ở mức cao như Pháp.
Trong khi đó, tại Australia, sau nhiều năm đàm phán tăng lương thất bại, ngày 21/3, các nhân viên trực thuộc các bộ ngành của Chính phủ Liên bang Australia đã bắt đầu tiến hành các cuộc đình công. Nhân viên Bộ Y tế, Cơ quan Thuế quan, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Dự báo thời tiết, Văn phòng Nội các và Thủ tướng, Cơ quan Thống kê đã đồng loạt đình công, các hoạt động tại Bộ Giáo dục, Bộ Môi trường, Khoa học địa lý… cũng bị ảnh hưởng.
Liên minh Cộng đồng và lĩnh vực xã hội (CPSU) cho biết các nhân viên đã hết kiên nhẫn sau hai năm đàm phán về điều kiện làm việc và tiền lương mà chưa đạt được thỏa thuận nào. Theo Thư ký CPSU Nadine Flood, chính phủ đã từ chối tổ chức các cuộc thảo luận để giải quyết những vướng mắc trong ngành dịch vụ công, chủ trương thu hẹp quyền của người lao động, giảm việc làm, không thay đổi mức lương, và muốn loại bỏ những ưu đãi cho gia đình. Do đó, sẽ có thêm các cuộc đình công ở các sân bay từ ngày 22/3.
Các nhân viên của Bộ Nhập cư và Bảo vệ biên giới và Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước sẽ đình công cả ngày 24/3. CPSU cho biết Bộ Nhập cư và Bảo vệ biên giới đã được thông báo về hoạt động đình công, có thể kéo dài qua cả kỳ nghỉ của học sinh sắp tới. Theo bà Flood, đình công có thể kéo dài trong nhiều tuần.
Chính phủ Australia đã lên án việc đình công, đồng thời lên kế hoạch khẩn cấp để hoạt động đình công của công đoàn không gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của ngành dịch vụ công./.