Nghề dệt vải lanh truyền thống của đồng bào H'Mông, Lai Châu cần được bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc độc đáo. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Nghề dệt vải lanh truyền thống của đồng bào H'Mông, Lai Châu cần được bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc độc đáo. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Định vị thương hiệu du lịch cộng đồng tại Việt Nam với các sản phẩm đặc sắc

Du lịch cộng đồng được xác định là sản phẩm chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt, bảo tồn, đa dạng hóa ngành nghề cho cộng đồng dân cư tại chỗ, cải thiện sinh kế cho người dân...

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam, nhằm thống nhất quan điểm và định vị thương hiệu du lịch cộng đồng tại Việt Nam, hỗ trợ khả năng tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công cho khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…

Đề án sẽ hướng tới phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng gắn liền với hoạt động phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; hình thành đặc trưng của mỗi địa phương, vùng miền… từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.

Chuẩn hóa bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng

Đề án xác định mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng, tiến tới phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, đa dạng hóa ngành nghề cho cộng đồng dân cư tại chỗ, cải thiện sinh kế cho người dân, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, ven biển và hải đảo.

Theo đó, đến năm 2025, tại các điểm du lịch cộng đồng được công nhận ở Việt Nam, cơ bản các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc sẽ được bảo tồn và phát huy; có 20% điểm du lịch cộng đồng có nhà sinh hoạt cộng đồng; 20% điểm du lịch cộng đồng có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; có ít nhất 30% chủ cơ sở du lịch cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng sẽ được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 20% lao động du lịch cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch…

Bên cạnh đó, nghiên cứu quy định về xây dựng các tổ chức quản lý hoạt động du lịch cộng đồng hiệu quả tại các điểm du lịch cộng đồng. Đề án cũng nghiên cứu, xây dựng các khung định mức về chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch cộng đồng làm cơ sở cho các địa phương áp dụng trên cơ sở nguồn lực của địa phương. Nghiên cứu, hỗ trợ đầu tư xây dựng thí điểm một hoặc nhiều mô hình du lịch cộng đồng tại những các địa phương có lợi thế về du lịch làm mô hình thí điểm Làng nghề du lịch cộng đồng. Đặc biệt, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng được công nhận trên toàn quốc.

vnp_du lich cong dong (30).jpg
Xóm du lịch cộng đồng của người Mường ở Hòa Bình. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Mục tiêu đến năm 2030, cơ bản phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch cộng đồng tại các trung tâm du lịch lớn, nơi có lượng khách du lịch tập trung đông.

Xây dựng sản phẩm đặc sắc, hấp dẫn

Để đạt được mục tiêu theo lộ trình, án đưa ra 7 nhóm giải pháp chủ yếu, bao gồm: Tăng cường lồng ghép chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn; Giải pháp về hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; Giải pháp về thị trường, xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm; Giải pháp về quy hoạch, khuyến khích đầu tư; Giải pháp về bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa; Giải pháp về quản lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Giải pháp bảo vệ tài nguyên và môi trường.

Trong đó, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách cho việc đầu tư hỗ trợ khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển hoạt động du lịch cộng đồng là nội dung đáng chú ý và đã được cụ thể hóa tại Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trong Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đề án cũng chỉ ra việc cần sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước cho phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cấp hạ tầng cho các điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng đón khách du lịch; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch liên thông kết nối tới tận điểm du lịch cộng đồng đã được lựa chọn.

vnp_du lich cong dong (38).jpg
Du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng với những căn nhà sàn đậm bản sắc của người Thái ở Mộc Châu, Sơn La. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Đặc biệt, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch từ thị trường mục tiêu; xây dựng mô hình chia sẻ lợi ích giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chủ thể liên quan, tổ chức xúc tiến, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, từng bước phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng của địa phương và quốc gia.

Hỗ trợ kết nối và thu hút khách du lịch, thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông minh, tích hợp hình thức giao dịch thương mại điện tử trong phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng; tổ chức các chương trình, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, hội chợ triển lãm kết nối các bên liên quan, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thị trường khách tới các điểm du lịch cộng đồng.

Hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu xúc tiến du lịch, thực hiện giới thiệu, quảng bá hiệu quả sản phẩm du lịch cộng đồng tới thị trường nội địa và quốc tế; Ưu tiên xúc tiến, phát triển thị trường, thu hút khách du lịch quốc tế từ nội vùng ASEAN, Đông Bắc Á, Tây Âu, Australia, khách du lịch nội địa từ các thành phố, trung tâm du lịch lớn đến trải nghiệm, sử dụng sản phẩm du lịch cộng đồng.

Đề án xác định xây dựng nếp sống văn hóa, các tiêu chí phù hợp về tổ chức, giao tiếp, ứng xử khi phục vụ du khách, quy tắc ứng xử của khách với người dân địa phương, phổ biến rộng rãi tới người dân và khách đến du lịch tại cộng đồng.

vnp_du lich cong dong (37).jpg
Ẩm thực vùng cao Tây Bắc. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Cơ chế, chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa phù hợp được xây dựng đồng bộ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng phù hợp với nhu cầu của du khách; đảm bảo bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, tạo môi trường văn hóa lành mạnh tại các điểm du lịch cộng đồng.

Đồng thời, phát triển các sản phẩm sinh thái, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm sạch để phục vụ khách du lịch; tuyên truyền vận động người dân và khách du lịch nâng cao ý thức bảo vệ môi trường theo nguyên tắc du lịch có trách nhiệm với cộng đồng xã hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Brussels sôi động mùa lễ hội cuối năm

Brussels sôi động mùa lễ hội cuối năm

Thủ đô Brussels (Bỉ) mỗi dịp cuối năm lại trở nên lung linh huyền ảo hơn bao giờ hết với hàng ngàn ánh đèn lấp lánh trên khắp các con phố và nhiều hoạt động sôi động, tạo nên một mùa lễ hội đáng nhớ.

Gian hàng món ngon Sài Thành giới thiệu phong phú món ăn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Khai mạc Lễ hội ẩm thực đường phố Sài Gòn 2024

Lễ hội lấy cảm hứng từ tinh hoa ẩm thực Việt với 5 hương vị nguyên bản, gồm vị của “tuổi thơ” hồn nhiên, “thanh xuân” tươi mới, “vấp ngã” đầy thử thách, “trưởng thành” chín chắn và “đời” sâu lắng.