Đô đốc Mỹ: Không cho phép nước nào phá vỡ cấu trúc an ninh châu Á

Đô đốc Harry Harris nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của việc duy trì cấu trúc an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời tuyên bố Mỹ sẽ không để cho bất kỳ quốc gia nào phá vỡ cấu trúc an ninh này.
Đô đốc Mỹ: Không cho phép nước nào phá vỡ cấu trúc an ninh châu Á ảnh 1Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/11, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris đã kêu gọi các nước duy trì cấu trúc an ninh dựa trên luật định ở châu Á-Thái Bình Dương.

Phóng viên TTXVN đưa tin từ Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax lần thứ 7 đang diễn ra ở tỉnh bang Nova Scotia của Canada cho biết, trong bài phát biểu về những thách thức an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương, Đô đốc Harris đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của việc duy trì cấu trúc an ninh dựa trên luật định ở khu vực vốn đang là động lực chính của kinh tế toàn cầu và là nơi có tới 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo ông Harris, hầu hết các nước trong khu vực đều được hưởng lợi lớn từ hệ thống luật và quy định quốc tế trong việc phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc gia. Vì thế, Mỹ sẽ không để cho bất kỳ quốc gia nào phá vỡ cấu trúc an ninh này.

Đề cập quan hệ Mỹ-Trung Quốc, Đô đốc Harris cho rằng quan hệ giữa hai nước nhìn chung mang tính xây dựng và hai bên có thể hợp tác trong nhiều vấn đề an ninh, như việc Trung Quốc lần đầu tiên tham gia đầy đủ cuộc tập trận RIMPAC 2014 hay hợp tác với các nước trong vụ tìm kiếm chiếc máy bay MH370 mất tích của Malaysia.

Tuy nhiên, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cảnh báo về những hoạt động xây dựng trái phép gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi có tới 5.300 tỷ lượt tàu thuyền qua lại mỗi năm.

Ông tái khẳng định quan điểm của Mỹ là mọi tuyên bố về chủ quyền phải dựa trên luật pháp quốc tế và mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua luật pháp và ngoại giao chứ không phải ép buộc hay đe dọa.

Đô đốc Harris cũng nhấn mạnh các nguyên tắc nền tảng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như giải quyết hòa bình các tranh chấp, duy trì tự do hàng hải và hàng không (kể cả với các tàu và máy bay quân sự), không cản trở những hoạt động thương mại hợp pháp.

Ông nêu rõ những nguyên tắc này tồn tại từ hàng chục năm nay và góp phần mang lại hòa bình, thúc đẩy kinh tế giúp hơn một tỷ người trong khu vực thoát khỏi đói nghèo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.