Mỗi năm trên thế giới có 3,3 triệu người chết vì cồn, cao hơn số nạn nhân thiệt mạng vì AIDS, lao phổi và bạo lực cộng lại.
Đó là kết luận trong báo cáo toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12/5, cảnh báo về tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn đang ngày càng tăng trong dân số thế giới.
Báo cáo nhấn mạnh, tính cả những thương vong xuất phát từ việc uống rượu như lái xe trong tình trạng say xỉn, bạo lực và lạm dụng, bệnh tật, chất cồn là nguyên nhân của 1 trong 20 trường hợp tử vong mỗi năm trên toàn cầu, và cứ 10 giây trên thế giới có một nạn nhân mất đi cuộc sống do hậu quả của việc uống rượu.
WHO đã điều tra tình hình trong năm 2012 tại 193 nước thành viên và chỉ ra rằng nước tiêu thụ nhiều rượu nhất trong năm là Belarus, trung bình mỗi người dân nước này uống 17,5 lít cồn nguyên chất mỗi năm. Đứng thứ hai là Moldova - 16,8l, thứ ba là Litva - 15,4l.
Điều đáng báo động là tại các nước vốn có mức tiêu thụ truyền thống thấp, ví dụ như Trung Quốc và Ấn Độ, người dân lại đang có xu hướng tăng thói quen uống rượu khi tình hình tài chính của họ được cải thiện.
Nhìn chung, mức tiêu thụ đồ uống có cồn cao được ghi nhận tại khu vực giàu có hơn, như châu Âu và Mỹ, tuy nhiên, điều kiện kinh tế đi lên tại các nền kinh tế mới nổi cũng làm tăng mức tiêu thụ rượu tại đây.
Trước tình hình đó, WHO kêu gọi thế giới nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn hậu quả của việc tiêu thụ rượu đối với sức khỏe.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng xác nhận 48% người dân trên thế giới chưa bao giờ sử dụng đồ uống có cồn, trong đó chủ yếu là phụ nữ, người dân các nước thu nhập thấp, người không uống rượu vì lý do tôn giáo và chuẩn mực xã hội./.