Đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc tại Nam Phi

Ngày 3/12, Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc thuộc Quốc hội đã làm việc với Bộ Các vấn đề truyền thống của Nam Phi trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc của đoàn tới Nam Phi từ ngày 2-6/12.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến (thứ 4, từ trái), Tổng cục trưởng thuộc Bộ Các vấn đề truyền thống Nam Phi Mashwahle Diphofa (thứ 3, từ trái) với cán bộ sứ quán Việt Nam. (Ảnh: Đình Lượng/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, ngày 3/12, Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc thuộc Quốc hội do ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm trưởng đoàn, đã làm việc với Bộ Các vấn đề truyền thống của Nam Phi trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc của đoàn tới Nam Phi từ ngày 2-6/12.

Hai bên đã tiến hành trao đổi thông tin, kinh nghiệm về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan chính phủ phụ trách vấn đề dân tộc thiểu số; tình hình kinh tế-xã hội của những cộng đồng yếm thế (người già và trẻ em), của các nhóm dân tộc thiểu số; chính sách hiện hành và các trọng tâm về phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, bảo vệ và phát triển các nguồn tài nguyên rừng, vấn đề định cư; kinh nghiệm trong thực thi các chính sách về thu hút đầu tư vào các vùng dân tộc thiểu số; vấn đề đói nghèo trong các vùng dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Mashwahle Diphofa-Tổng cục trưởng thuộc Bộ Các vấn đề truyền thống khẳng định Nam Phi là nhà nước dân chủ không phân biệt sắc tộc, trân trọng sự đa dạng và Hiến pháp Nam Phi dựa trên nền tảng bình đẳng, không phân biệt đối xử và đảm bảo nhân quyền, quyền chính trị, xã hội bình đẳng đối với mọi cá nhân.

Với tổng dân số gần 59 triệu người, trong đó người da đen (người Phi) chiếm 80,7%, người da màu chiếm 8,8%, người da trắng chiếm 7,9% và người Ấn/châu Á chiếm 2,6%, Nam Phi sử dụng thuật ngữ nhóm thiểu số thay vì dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc cũng dựa trên nền tảng khái niệm này nhằm khắc phục những bất bình đẳng xã hội do chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid để lại. Phía Nam Phi cũng trao đổi cụ thể và giải đáp các thắc mắc về nhiều vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ đối với những cộng đồng yếm thế; vấn đề quyền của các sắc tộc như thừa nhận, tư vấn và tham gia chính trị xã hội; văn hóa, ngôn ngữ; bảo vệ hệ thống tri thức văn hóa bản địa; vấn đề đất đai và tiếp cận các dịch vụ cơ bản…

Đặc biệt, ngày 29/11 vừa qua, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã ký ban hành Luật Lãnh đạo sắc tộc Khoi San truyền thống nhằm ghi nhận quyền của sắc tộc Khoi San bản địa. Đây là đạo luật đầu tiên của nhà nước Nam Phi dân chủ thể chế hóa quyền lợi, nghĩa vụ của một trong những sắc tộc bản địa.

[Việt Nam-Nam Phi thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại]

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cảm ơn phía Nam Phi đã trao đổi thẳng thắn nhiều thông tin bổ ích đối với các nhà hoạch định chính sách dân tộc của Việt Nam; khẳng định Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc anh em cùng sinh sống (trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số) và có sự cư trú đan xen trên nhiều địa bàn. Đảng và Nhà nước Việt Nam nhất quán thực hiện nguyên tắc “các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng đã trao đổi với phía bạn chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam liên quan đến vấn đề dân tộc và thành tựu phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số; từng bước xóa bỏ khoảng cách phát triển giữa các vùng dân tộc thiểu số.

Trước đó, ngày 2/12, đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc đã đến thăm làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi. Sau khi nghe Đại sứ Vũ Văn Dũng báo cáo tình hình quan hệ song phương Việt Nam-Nam Phi với nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực chính trị-đối ngoại, kinh tế-xã hội và ngoại giao nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đã biểu dương những nỗ lực và thành tích Đại sứ quán đạt được trong thúc đẩy quan hệ song phương, thực hiện công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và các chính sách liên quan khác.

Theo chương trình, trong hai ngày 4-5/12, đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam sẽ làm việc với Quốc hội và chính quyền thành phố Cape Town, tỉnh Western Cape./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục